Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà báo đã phản ánh những khó khăn khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để được cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời. Nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh cho biết, khi tới các cơ quan, đơn vị tác nghiệp luôn bị gây khó dễ, nhất là những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, nên việc chuyển tải thông tin đến bạn đọc bị chậm và thậm chí không được cung cấp thông tin theo đề nghị.
Phó Giám đốc Sở TT&TT cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: “Nhận thức của các cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành địa phương về tầm quan trọng của công tác báo chí nói chung, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nói riêng còn chưa đầy đủ; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong công tác phát ngôn còn hạn chế, tính trách nhiệm và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao”. Theo lãnh đạo Sở TT&TT Lâm Đồng, nguyên nhân là do người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thiếu tính chủ động, chưa thật sự quan tâm, còn sợ trách nhiệm, ngại va chạm, chưa nắm bắt được tình hình dư luận, phản ánh của nhân dân. Trong một số trường hợp, báo chí còn một chiều, nặng về phản ánh tiêu cực, tồn tại, hiện tượng một số người giả danh nhà báo, sử dụng thẻ nhà báo giả đã sách nhiễu, dọa dẫm địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi!
Sau khi ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cơ quan báo chí luôn đồng hành với sự phát triển của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng: “Quy chế cung cấp thông tin đã có, tại sao các cơ quan, đơn vị lại không cung cấp thông tin cho báo chí? Mặt khác, các phóng viên cũng cần phải xem lại vì sao các cơ quan, đơn vị ngại gặp báo chí. Chúng ta phải làm sao xóa bỏ khoảng cách giữa các cơ quan, đơn vị với báo chí. Chúng ta cần thành lập một cơ chế cung cấp thông tin chính thống. Ở cấp huyện nên chăng giao cho Ban Tuyên giáo cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí”.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các phóng viên tiếp tục bám sát tình hình địa phương để đưa tin, viết bài một cách chính xác, trung thực, khách quan; mạnh dạn đưa lên những mặt trái, tiêu cực của xã hội để các cấp, các ngành chỉnh đốn. Báo chí nên tạo diễn đàn cho người dân tham gia giám sát, phản biện góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước. Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để báo chí tác nghiệp trên địa bàn.
Hy vọng rằng với ý thức nghiêm túc về trách nhiệm của nhà báo và sự hợp tác tích cực của các cơ quan, các sở, ban ngành, các địa phương tình trạng gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí tại Lâm Đồng sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.