Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương trong 3 khu vực này cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, sử dụng các vật liệu che phủ đất hoặc thảm thực vật nhằm tránh nắng nóng, giảm thoát hơi nước; áp dụng các biện pháp trữ nước tại các hồ, đập chứa nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô, bảo đảm đủ nước tưới sản xuất; sử dụng các giống ngắn ngày, gieo tập trung nhằm tránh thời điểm hạn hán...
Cục Trồng trọt lưu ý không trồng mới cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước hoặc không chủ động nước tưới.
Đề cập những giải pháp cụ thể, Cục Trồng trọt hướng dẫn, với cây ăn quả, cần sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng tưới luân phiên, đúng thời điểm và vừa đủ nước; sử dụng tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá khô, rơm rạ, các phụ phẩm nông nghiệp hoặc màng phủ nông nghiệp.
Tỉa bớt cành nhánh, các chùm sai quả, các trái nhỏ, trái vẹo, dị hình để tập trung cho quả chính phát triển tốt; tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất; thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm dịch hại, phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.
Với cây cà phê, hồ tiêu, hiện khu vực Tây Nguyên đã bắt đầu vào mùa mưa, đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa, bảo đảm năng suất, chất lượng. Ngay đầu mùa mưa, nông dân, chủ vườn cần tiến hành trồng cây che bóng bổ sung như cây muồng đen hoặc cây sầu riêng, bơ theo quy trình Bộ NN&PTNT đã ban hành.
“Nếu vườn cà phê chưa có hệ đai rừng chắn gió cần phải trồng bổ sung. Không được cưa cây che bóng, cây đai rừng đã có ở các vườn cà phê ghép cải tạo hoặc cưa đốn phục hồi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp thảm phủ, bón phân cân đối để giảm thiểu tối đa thoát hơi nước trên vườn cà phê, hồ tiêu”, công văn lưu ý.
Với sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, theo nhận định, các địa phương đã chủ động bố trí lịch thời vụ phù hợp theo nguồn nước tưới và tăng cường tích trữ nước trong mùa khô, do đó đã hạn chế tối thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, đến nay chỉ bị ảnh hưởng khoảng 500ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng.
Riêng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn khoảng 300.000ha lúa Đông Xuân chưa thu hoạch. Trước những diễn biến khô hạn gay gắt, cần tiếp tục theo dõi những diện tích lúa còn lại, bảo đảm an toàn và đẩy nhanh thu hoạch khi lúa chín.
Cần rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu phù hợp với điều kiện của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế; thời vụ cần khoanh vùng cụ thể theo nguồn nước cung cấp cho sản xuất; xuống giống sớm và tập trung ở vùng có đủ nguồn nước tưới; đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm ở những vùng khó khăn, nguồn nước không đáp ứng đủ cho sản xuất 3 vụ.
Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương ở Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên tổ chức quản lý tốt nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập bơm tát, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình. Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng bảo đảm của nguồn nước, không sản xuất với diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.
Đồng thời, cần phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm; xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án phòng, chống hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó cần lưu ý việc bố trí kinh phí cho phòng, chống hạn... nhất là những vùng có nguy cơ cao.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương tăng cường thông tin để vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm hơn; thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế.