Việc sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, như: giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán. Không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí về thuế, mà thông qua sử dụng HĐĐT, DN có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Về phía cơ quan thuế (CQT), sử dụng HĐĐT góp phần rút gọn các thủ tục đăng ký phát hành, báo cáo tình hình sử dụng, lập bảng kê hóa đơn (HĐ); đồng thời ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ việc trốn thuế.
Việc quản lý và sử dụng HĐĐT từ trước tới nay được điều chỉnh bởi Nghị định 51/2010/NĐ-CP; Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Thông tư 32/2011/TT-BTC. Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn quản lý, sử dụng HĐĐT theo phương thức mới – có kết nối dữ liệu điện tử với CQT.
Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có hiệu lực từ ngày 01/11/2018, quy định đến 01/11/2020, toàn bộ các tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
Nhằm giúp người nộp thuế, đặc biệt là các tổ chức, DN trên địa bàn làm quen với HĐĐT và hoàn thiện giải pháp về HĐĐT trong giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2020, tránh những rủi ro khi CQT triển khai áp dụng HĐĐT đồng loạt mà DN chưa ký được hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, năm 2019, Cục Thuế TP Hà Nội đẩy mạnh triển khai HĐĐT đến hầu tất cả các DN trên địa bàn Thủ đô.
Kế hoạch dự kiến triển khai với rất nhiều hoạt động như: đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT, hướng dẫn chính sách về quản lý, sử dụng HĐĐT đồng thời tuyên truyền về các hoạt động mà Cục Thuế TP Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai nhằm đẩy mạnh việc sử dụng HĐĐT trên địa bàn; tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện HĐĐT từ khâu đăng ký đến các khâu sử dụng và báo cáo về HĐ thông qua các lớp tập huấn, thông qua điện thoại, email tư vấn phối hợp với hình thức hỗ trợ trực tiếp tại bộ phận một cửa của CQT các cấp.
Cục Thuế TP Hà Nội cũng dự kiến sẽ phối hợp làm việc với các nhà cung cấp giải pháp về HĐĐT với mục tiêu đảm bảo kết nối dữ liệu về HĐĐT phục vụ cho công tác quản lý thuế trong giai đoạn vẫn đang sử dụng HĐĐT chưa có kết nối dữ liệu với CQT như hiện tại, chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở dữ liệu về HĐ để triển khai quản lý HĐ theo phương thức mới đã được quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, Danh sách các nhà cung cấp dịch vụ về HĐĐT uy tín, đủ năng lực kết nối với CQT sẽ được Cục Thuế TP Hà Nội công khai trên website của Cục Thuế TP Hà Nội để các DN, tổ chức trên địa bàn an tâm liên hệ, sử dụng dịch vụ.
Để chương trình kế hoạch được triển khai đồng bộ, thống nhất từ Văn phòng Cục đến 30 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, Cục Thuế TP Hà Nội đã thành lập Tổ chỉ đạo, Tổ triển khai, trong đó ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội trực tiếp là tổ trưởng, Phó Cục trưởng Viên Viết Hùng giữ vai trò tổ phó thường trực và các thành viên là Trưởng các phòng thanh kiểm tra thuế, các phòng chức năng có liên quan và các Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Nhiều thuận lợi khi mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử
Theo thống kê của Cục Thuế Hà Nội, đến nay Cục Thuế đã kết nối thông tin với khoảng trên 98% DN trên địa bàn thông qua việc khai thuế qua mạng, hơn 95% DN đã thực hiện nộp thuế điện tử. Điều này cho thấy, hầu hết các DN trên địa bàn đã có thói quen tương tác với CQT thông qua môi trường điện tử. Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng hình thức điện tử ngày càng phát triển, đây là điều kiện rất thuận lợi để đưa HĐĐT vào cuộc sống.