Theo báo cáo tại Hội nghị, tình hình dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến rất phức tạp nên đã ảnh hưởng nhất định đến kết quả thi hành án dân sự của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo, kết luận của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, tập trung chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đặc biệt là ở các đơn vị có số lượng án lớn cả về việc, về tiền như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành.
Theo đánh giá, lượng án thụ lý mới trong năm 2021 tăng cả về số việc và giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều áp lực, Cục Thi hành án và các cơ quan Thi hành án dân sự đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao. Trong đó, đã thi hành xong hơn 6.600 việc trong số hơn 7.800 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ hơn 84%, số tiền thi hành xong lên đến hơn 1.052 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ (tăng 618,3%) so với cùng kỳ năm 2020, vượt 46,3% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là 40,1%.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 84 trường hợp, trong đó có 31 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành, tăng 9 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020 và đã thực hiện cưỡng chế thành công 78 trường hợp. Trong năm, trên địa bàn tỉnh không có án tồn đọng, kéo dài. Cục thi hành án dân sự cũng đã giải quyết xong vụ việc IOC, là vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm với giá trị phải thi hành lên đến hơn 800 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao công tác thi hành án trog bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp |
Bên cạnh những kết quả đạt được đó, Hội nghị cũng chỉ ra, công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, kết quả thi hành án còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đặc biệt là đối với các vụ liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, các vụ việc liên quan đến các tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Với nguồn lực còn mỏng, đang trong giai đoạn kiện toàn về điều kiện, tiêu chuẩn, ngành thi hành án vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch.
Ông Lê Trí Thanh đánh giá cao công tác thi hành án trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, tính chất của công tác thi hành án có nhiều khó khăn đặc thù. “Những thành quả đạt được cho thấy sự tập trung, nỗ lực của toàn ngành, góp phần quan trọng ổn định chính trị, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Sang năm 2022, tôi đề nghị địa phương cần có biện pháp thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ được giao, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được nêu ra. Ngành thi hành án dân sự cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức, nếu gặp vướng mắc, cần báo cáo kịp thời với ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan cấp trên để có hướng xử lý phù hợp. Công tác cưỡng chế chỉ áp dụng sau khi đã sử dụng tất cả các biện pháp hòa giải, vận động thuyết phục, xem xét đến yếu tố đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm. Đồng thời, cần quan tâm cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hành phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ…”, ông Lê Trí Thanh nói.
Dịp này, Cục thi hành án dân sự trao giấy khen cho 7 đơn vị, 31 cá nhân có thành tích xấut sắc trong năm 2021; Đồng thời, đề nghị Chính phủ tặng cờ thi đua cho 1 tập thể, đề nghị Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua cho 2 đơn vị, tặng bằng khen cho 4 đơn vị, 14 cá nhân…