Nhãn hiệu “Quýt Mường Khương” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu và cấp Giấy chứng nhận, giúp sản phẩm này có chỗ đứng vững và vươn xa hơn trên thị trường.
Khi một bên là cửa khẩu, một bên là lối mở
Vượt qua 7km đường đèo dốc, xung quanh đồi núi trập trùng từ Đồn Biên phòng Mường Khương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lào Cai lên Cửa khẩu Mường Khương, chúng tôi không thấy hàng hóa và người qua lại. Cửa khẩu Mường Khương mỗi ngày chỉ có 5-7 khách xuất nhập cảnh. Vào mùa quýt chín, số lượng người xuất nhập cảnh tăng lên, mỗi ngày có 50 người dân Mường Khương sang Trung Quốc cắt quýt thuê, làm thuê trong ngày. Do chính sách hai bên không thống nhất nên phía Việt Nam quy định Mường Khương là cửa khẩu, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu từ ngày 1/8/2014, nay là lối mở Kiều Đầu, dù bên Trung Quốc có quốc môn to đẹp.
Thượng úy Bùi Giang Nam-Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Mường Khương cho biết: “Bên Việt Nam, Mường Khương là cửa khẩu nên có đầy đủ các cơ quan chức năng như hải quan, biên phòng, kiểm dịch… Bên kia chỉ có công an biên phòng Trung Quốc làm các thủ tục xuất nhập cảnh cho người dân qua lại thăm thân, làm ăn, buôn bán. Kinh tế cửa khẩu chủ yếu là mua bán quýt. Lâu lắm rồi hàng hóa không đi qua đây. Do chủ trương, chính sách điều tiết hàng nhập khẩu phía Trung Quốc nên thỉnh thoảng có vài đợt hàng tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu này. Ví dụ, cuối năm 2016 hàng đông lạnh đi qua đây”.
Hai thôn giáp biên là Lao Chải và Chúng Chỉa B cách cửa khẩu 1km. Bà con trồng quýt và ngô trên vách núi đá cheo leo. Gần cửa khẩu, một số người dân bày bán quýt, xe tải đang nhập hàng. Quýt được buôn về xuôi bán và xuất ngoại sang Trung Quốc. Chị Lò Thị Liên người Tu Dí ở thôn Lao Chải cho biết: “Năm 2015, nơi đây có tuyết rơi, cây cối hỏng hết lá. Trâu bò, lợn gà đi nhà ngoại hết rồi, quýt mới trồng chưa được thu hoạch nên phải đi làm thuê”. Rồi chị giải thích là trâu bò rét quá nên chết cóng.
Đồn Biên phòng Mường Khương quản lý địa bàn 2 xã Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương. Cây quýt, cây sa nhân thành cây chủ đạo nơi đây. Quýt được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Mường Khương từ năm 2002. Ban đầu mới chỉ thực hiện trên diện tích 2 ha. Sau 3 năm cây quýt bắt đầu ra trái nhưng phải trồng 5 năm mới được thu hoạch quả. Quýt trồng tại Mường Khương gồm 3 loại: Quýt chín sớm (quýt bột - cho thu hoạch từ tháng 9 đến cuối tháng 10), quýt trung vụ (chủ yếu là quýt sen - cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12), quýt chín muộn (cho thu hoạch sau tháng 12). Doanh thu từ trồng quýt cao gấp 10 lần so với trồng cây ngô nên từ năm 2013, huyện Mường Khương đã chủ động đưa Dự án trồng quýt vào thâm canh ở các xã: Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ và thị trấn Mường Khương.
Anh Pờ Chín Sài - Trưởng thôn 1, Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương cho biết thôn có 37 hộ dân, 165 khẩu. Nhà anh có 2.000m2 trồng lúa, cấy 1 vụ. Do ruộng bậc thang nên mỗi năm cấy một vụ. Mưa xuống, tháng 4, tháng 5 mới có nước trời, có ruộng phải chờ mãi mới có nước cấy. Ngoài ra, nhà anh Sài trồng 5.000 cây quýt, trên 4-5 mảnh ruộng. Mới có 1.000 cây thu hoạch, 4.000 cây còn lại sang năm mới thu hoạch vụ đầu tiên. Một cây quýt trung bình thu hoạch từ 50-60 kg quýt. Anh Sài cho biết thêm, trồng cây năng suất nhất chỉ có quýt. Rẻ nhất là ngô, một cây quýt thu hoạch 20-30kg bán mấy trăm nghìn đồng, ngô chỉ có 4.000 đồng/1kg, sang năm không trồng nữa. Bán quýt mua ngô thoải mái.
Tối 11/11/2017, tại huyện Mường Khương, UBND tỉnh Lào Cai đã khai mạc Lễ hội quýt gắn với công bố nhãn hiệu “Quýt Mường Khương”. Nhãn hiệu “Quýt Mường Khương” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu và cấp Giấy chứng nhận. Đây là đặc sản thứ 3 của địa phương (sau sản phẩm ớt và gạo Séng Cù) được công nhận nhãn hiệu gắn với địa danh, giúp các sản phẩm này có chỗ đứng vững và vươn xa hơn trên thị trường.
Không bỏ trứng vào một giỏ
Dù giá quýt rất cao từ 10-20 nghìn đồng/1kg nhưng từ những bài học kinh nghiệm dứa đắng, chuối đắng của bà con trong huyện nên người dân nơi đây không đổ xô trồng quýt mà còn trồng cây sa nhân. Gia đình ông Phào Seo Phà (dân tộc Mông, ở thôn Cán Hồ, xã Tung Chung Phố) là một trong những hộ tiên phong trồng cây sa nhân. Sau hơn 4 năm trồng, trên 5.000 gốc sa nhân dưới tán rừng đã cho thu hoạch ổn định, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ cây sa nhân mà từ một hộ nghèo trong thôn, ông Phà đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt cho gia đình. Ông Phà cho biết, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ phải bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.
Từ hiệu quả bước đầu, đến nay gia đình ông Phà lại tiếp tục trồng thêm 7.000 gốc sa nhân nữa. Đặc biệt đến nay, nhiều hộ gia đình trong xã Tung Chung Phố đã mạnh dạn nhân giống và trồng dưới tán rừng với diện tích trên 10ha, tất cả đều phát triển tốt. Điều này khẳng định với thổ nhưỡng và điều kiện đất đai ở Tung Chung Phố phù hợp với cây sa nhân, nhất là phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Sền Quang Thảo - Bí thư xã Tung Chung Phố cho biết, sa nhân là cây dược liệu quý được trồng dưới tán rừng già, sau 3 năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, năng suất trung bình của cây sa nhân đạt từ 100 - 200kg quả khô/ha/năm. Với giá bán dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg quả khô, cây sa nhân mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha... Đặc biệt, cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng tự nhiên được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.