Mưu sinh nơi cửa biển
12h trưa. Cái nắng gay gắt đã treo lửng trên đầu. Bên dưới chân cầu Thuận Phước (phường Thọ Quang, Sơn Trà), em Hồ Nghĩa Hiền (12 tuổi, ngụ phường Mân Thái, Sơn Trà) đang xắn đôi bàn tay trần bé nhỏ xuống từng khoảnh bùn non mò phi (một loại nhuyễn thể giống như ngao, hến).
Ngày nào cũng vậy, dù nước lớn, nước ròng, thân hình bé nhỏ ấy luôn quyện cùng mùi ngai ngái. Từ đầu tháng cho đến rằm, tại các bãi biển Đà Nẵng có đến hàng trăm trẻ em làm nghề này. Nếu tranh thủ nửa ngày còn lại không đến lớp, Hiền có thể kiếm được 60 ngàn đồng/ngày nếu bắt được 3kg.
Trong khi đó, tại bãi phi Khe Cầu (Thọ Quang, Sơn Trà), bé gái Nguyễn Thị Lê (lớp 8, trường THCS Phạm Ngọc Thạch), không chờ con nước rút mà cho hẳn thân hình nhỏ bé chìm dưới dòng nước đục, chỉ nhấp nhô chiếc nón tai bèo không che hết vạt nắng. Phút chốc em ngoi lên với nắm phi cùng nụ cười mừng rỡ. Dù mới 14 tuổi nhưng Lê đã có “thâm niên” mưu sinh tại các bãi phi cửa biển đến 6 năm.
Đều đặn, cứ hết giờ học chính khóa, Lê lại cùng nhóm bạn mang theo cào, cuốc, sọt chạy nhanh đến bãi phi để kiếm tiền. Còn mùa hè, ngày nghỉ em có mặt ở đây cả ngày. Nói về lý do khiến em suốt ngày ngâm mình nơi cửa biển, Lê bộc bạch: “Mẹ ốm đau quanh năm, 2 đứa em còn nhỏ, em muốn được tiếp tục đi học thì phải tự kiếm ăn”.
Trời vẫn đang đứng bóng, nhưng đoàn người kéo đến bãi phi mỗi lúc một đông, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. “Bao nhiêu năm nay, trẻ con vẫn phải vật lộn kiếm sống tại bãi phi, nhìn mà thấy xót xa quá. Nhưng biết làm sao được, hỏi ra, hoàn cảnh đứa nào cũng nghèo, cũng khổ hết. Chỉ có điều đáng buồn, vì mải mê mưu sinh nên việc học của bọn trẻ thường chỉ qua loa lấy lệ thôi”, bà Võ Thị Hoàng, người phụ nữ cũng đang kiếm sống chính trên những bãi phi này thổ lộ.
Phận tha hương
Mới 6h sáng, em Hoàng Văn Nghị (11 tuổi, quê Gio Linh, Quảng Trị) đã mướt mồ hôi vì đi bộ hết các hàng quán cùng bà ngoại để mời khách mua vé số. “Tranh thủ sáng sớm, mọi người hay ngồi cà phê nên có thời gian nhàn rỗi, vả lại cũng là ngày mới nên mời mọc, họ sẽ ít khi từ chối, la mắng.
Em đi từ 4h sáng, mời hết các bác xe ôm, người buôn bán dọc vỉa hè rồi vào quán hạng sang”, Nghị nói. Cậu bé còn ít tuổi nhưng đã biết được nhiều “chiêu” mời kéo khách, vì hầu hết các ngày cuối tuần và các kỳ nghỉ hè, em lại khăn gói cùng bà đến các thành phố lớn. Bình thường Nghị vẫn tới lớp. Học xong nửa buổi mới đi bán vé số ở gần nhà, cuối tuần vào Đà Nẵng.
Sau 1 ngày ngụp lặn nơi cửa biển, Hồ Nghĩa Hiền (12 tuổi) kiếm được 3 ký phi bán lấy tiền đưa mẹ |
“Nó mồ côi cha mẹ, mà bà già yếu rồi, muốn cháu có cái chữ sau này đời đỡ khổ nên phải tranh thủ cùng nó kiếm thêm tiền”, bà ngoại 78 tuổi của Nghị nói về đứa cháu.
Ở Đà Nẵng còn có hàng trăm trẻ em quê từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa …vào mưu sinh. Như em Vũ Hoàng Công (11 tuổi, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), theo mẹ đến Đà Nẵng khi vừa học xong lớp 5. Gia đình 6 đứa con, sống dựa hoàn toàn vào 2 sào ruộng. Không đủ ăn, chứ chưa nói đến học, nên cứ cuối tuần, hay dịp hè nhà em lại “cắt cử”:
Anh lớn nghỉ học nên theo ba vào Sài Gòn cả năm, em nhỏ hơn và vẫn còn đến lớp nên được “đặc cách” theo mẹ ra Đà Nẵng bán vé số cuối tuần. Công việc thường ngày với những trẻ nghèo ly hương bán vé số bắt đầu từ 5h sáng, đến đại lý vé, rồi rảo bước trên các kiệt, hẻm, kéo dài đến cuối chiều, hoặc đến tận 8- 9h tối, mỗi ngày kiếm được khoảng 40 ngàn đồng.
“Bữa ni người ta đổ về bán vé số đông quá nên cũng khó kiếm được nhiều hơn. Mà hôm ni, tự nhiên trời lại mưa, tập vé số mới chỉ bán được vài tờ”, bà Phan Thị Mai (55 tuổi) cùng đứa con 10 tuổi tên Phan Thị Tuyết Lê (quê Thừa Thiên - Huế) đang ngồi co ro dưới trạm xe buýt, tránh cơn mưa giông giông, bất chợt thở dài lo lắng. Cạnh bên, Lê thỏ thẻ vào tai mẹ: “Tính ra mình đi hàng chục cây số rồi mạ hỉ. Mỏi chân dễ sợ, cái bụng cũng sôi lên rồi…”
Mò được 1 túi phi, Hiền giơ bàn tay cho mọi người xung quanh xem rồi ái ngại: “Nước ăn tay, ăn chân kinh lắm do ngày mô cũng bì bõm, mò mẫm gần chục tiếng đồng hồ dưới nước. Mà đợt ni á, hình như nước đang bị ô nhiễm nên tay chân em thấy lở nhiều hơn”.
Nhìn về phía đám bạn đen đúa, cháy sạm da đang ngụp lặn, Hiền cho biết thêm, mấy người lớn tuổi thì đau lưng, nhức mỏi chân tay, còn trẻ con, đứa nào cũng bị ghẻ lở, nấm chân tay... Nhưng, buồn hơn hết vẫn ở chuyện học hành. Đứa nào may lắm có học lực trung bình, còn lại “đúp” lớp thường xuyên. Không ít bạn nhỏ đã phải bỏ học giữa chừng. Còn chuyện vui chơi, đó chỉ là ước mơ xa vời.
“Em thèm một ngày được đi chơi, đến công viên, đu quay hay đi tàu điện... cùng gia đình lắm. Nhưng cả 9 tháng học, hết giờ lên lớp, em lại đến bãi nghêu, phi rồi. Còn hè đến, cứ phải nói túc trực suốt nơi cửa biển. Nhiều khi 9,10h tối mới đến nhà, lấy đâu ra thời gian mà chơi”, Hiền nói giọng buồn.
Vũ Hoàng Công (11 tuổi) đã biết “tách” khỏi mẹ, tự kiếm thêm chỗ bán vé số để tăng thu nhập |
Trong khi đó, nơi góc nhỏ của nhà trọ, Công ngồi xếp lại mấy cuốn tập em mang theo vào Đà Nẵng để ôn. Đang học lớp 6, nhiều chương trình học rất khác và khó hơn cấp 1, cuối tuần cần ôn nhiều, nhưng mỗi lần lôi sách vở ra, mắt em đã “díu lại” vì ròng rã 1 ngày đi bộ hàng chục km. Giấc mơ nhỏ nhoi của cậu là mỗi sáng mẹ “quên” gọi dậy đi lấy vé số để em thoải mái “ngủ nướng” thêm chút nữa.
Dọc dài chuỗi ngày tha hương, ước mơ nhỏ bé trên của Công không phải duy nhất mà còn có Lê, có Nghị và hàng trăm bạn bè cùng trang lứa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Bốn (tổ trưởng tổ xử lý người bán hàng rong, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Đà Nẵng) cho biết, hằng năm, Đà Nẵng “đón” hàng trăm lượt người từ các tỉnh thành miền trung đổ về mưu sinh bằng các công việc như bán vé số, đánh giày…và cả xin ăn.
Trong đó hơn quá nửa trẻ em “góp mặt” vào đội quân này, đặc biệt sau Tết và dịp hè. Trước thực trên, Đà Nẵng cũng chỉ biết tuyên truyền, tư vấn để các em không vướng vào tệ nạn, hạn chế những vi phạm pháp luật cũng như những bất lợi có thể xảy ra đối với chính đứa trẻ trong cuộc sống mưu sinh.
Riêng với trẻ em ở các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thời gian qua, các cấp cũng tăng cường tư vấn nhầm nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, hạn chế không cho trẻ em đi làm thêm; tác động vào kinh tế gia đình tạo sự ổn định nhất định để ngăn chặn việc trẻ em phải lao động sớm, không bỏ dỡ học vấn…
“Tuy nhiên, đâu đó cũng có không ít sự vô tâm của các bậc làm cha mẹ đã tự đẩy các em vào cuộc hành trình đầy khổ cực trên”, ông Bốn bộc bạch./.