Theo tìm hiểu của PLVN, dư luận, cử tri đang rất quan tâm đến vấn đề này, đưa ra những ý kiến, băn khoăn gửi đến Bộ trưởng BXD Phạm Hồng Hà.
Mong lãnh đạo thống nhất cao
BXD đang bàn cách di dời 13 trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm Thủ đô theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 13 trụ sở này bao gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) thuộc BXD được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án di dời. Theo đề xuất của VIUP, có 3 phương án di dời: Thứ nhất, sẽ xây mới tất cả trụ sở 12 bộ, ngành tại khu vực Tây Hồ Tây, riêng trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng tại Mễ Trì. Thứ hai, trụ sở 13 bộ, ngành được xây mới tại khu vực Mễ Trì. Phương án ba là 6 trụ sở bộ, ngành được xây mới tại Tây Hồ Tây, 7 trụ sở còn lại được xây dựng ở Mễ Trì.
Cũng theo VIUP, nếu đặt hết trụ sở các đơn vị trên về khu vực Tây Hồ Tây thì cần ít nhất 12.000 tỷ đồng; nếu đưa hết về Mễ Trì thì cần 14.000 tỷ đồng; nếu theo phương án chia đôi số trụ sở theo phương án ba thì hết khoảng 17.000 tỷ đồng.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Gia Lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiến trúc – Quy hoạch Hà Nội (thuộc VIUP) cho biết, việc di dời 13 trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm Thủ đô là một việc lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần sự thống nhất cao giữa các bên liên quan.
“Không chỉ là vấn đề di dời từ chỗ cũ sang chỗ mới, từ nội thành ra bên ngoài mà còn liên quan đến quy hoạch, đến lợi ích kinh tế giữa các bên, sự thuận tiện cho người dân”, ông Lượng nói và cho rằng, nếu không bàn bạc, thống nhất cẩn thận, tiến độ sẽ rất chậm, đi liền với đó là những rắc rối, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xây dựng trụ sở mới, đấu giá tài sản trụ sở cũ.
Chỗ mới phải vừa tiện cho cán bộ, vừa tiện cho người dân
GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chủ trương di dời trụ sở cơ quan nhà nước ra khỏi nội thành là hợp lí để giảm tải áp lực lên hạ tầng giao thông. “Nhưng làm phải cẩn thận. Một số cơ quan sau khi xây trụ sở mới ra bên ngoài vẫn sở hữu trụ sở cũ là không hợp lí. Trụ sở cũ cần bàn giao lại cho Nhà nước và có phương án sử dụng hợp lí”, ông Hậu nói.
Cũng theo Kiến trúc sư Đỗ Hậu, địa điểm di dời là Tây Hồ Tây hoặc khu vực Mễ Trì là hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nên tính toán làm sao để vị trí những trụ sở này thuận lợi cho việc di chuyển của cán bộ, nhân viên cũng như người dân đến làm việc. “Không nên để trụ sở ở nội thành nhưng cũng không nên di dời đến những nơi quá xa trung tâm, gây khó khăn cho việc di chuyển của cán bộ và người dân khi làm việc”, ông Hậu nói.
Kiến trúc sư Đỗ Hậu cũng tỏ vẻ băn khoăn về tài sản tại những trụ sở cũ của 13 bộ, ngành được di chuyển. “Nhiều trụ sở còn mới, cơ sở vật chất còn rất tốt, nếu đem phá bỏ sẽ rất lãng phí. Vấn đề đấu giá, sử dụng lại khối tài sản này thế nào cũng cần được bàn bạc kỹ lưỡng, tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”, vị kiến trúc sư bày tỏ. Ông cũng cho rằng những trụ sở cũ này không nên quy hoạch để xây dựng chung cư vì lo ngại dân số nội đô tăng lên, áp lực lớn cho hạ tầng giao thông, đô thị.
Quốc hội chất vấn thêm những vấn đề xây dựng gì?
Theo lịch trình, từ 14h25 ngày 4/6, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng, tập trung vào: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.