Cải tạo, sửa chữa 187 chung cư cũ
Trả lời chất vấn về tiến độ triển khai, xây dựng các khu chung cư mới thay thế các khu chung cư cũ trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho hay, thời gian qua, các cấp lãnh đạo TP đã quan tâm, dành nguồn lực chỉnh trang diện mạo đô thị, trong đó công tác cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới thay thế các khu chung cư xuống cấp đã đạt kết quả tích cực.
Tính đến thời điểm này, TP đã xây dựng 7 chung cư mới: N1, N2 Lê Lợi; U19 Lam Sơn; HH1 – HH2, HH3 – HH4 Đồng Quốc Bình với tổng số 2.654 căn hộ. Vừa qua, Sở Xây dựng đã lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP bằng nguồn vốn ngân sách, theo đó sẽ phá dỡ 150 chung cư cũ, sửa chữa 37 chung cư cũ để bảo đảm ổn định nơi ở cho khoảng 1.175 hộ dân.
Về kế hoạch cải tạo chung cư trong thời gian tới, TP đã phân kỳ, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2020 – 2025 sẽ xây dựng chung cư khu Vạn Mỹ; chung cư 311 Đà Nẵng (quận Ngô Quyền); khu chung cư Lam Sơn; chung cư An Dương (quận Lê Chân) và chung cư Đồ Sơn (quận Đồ Sơn). Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ xây dựng chung cư Nguyễn Thái Học (quận Hồng Bàng); khu chung cư Lê Duẩn, Văn Đẩu (quận Kiến An) và cải tạo sửa chữa cục bộ 37 chung cư để tiếp tục sử dụng.
Liên quan tới công tác cải tạo lại các dòng kênh, dòng sông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng đã nghiên cứu và đang hoàn thiện Đề án chỉnh trang đô thị TP Hải Phòng giai đoạn 2020-2025 nhằm mục tiêu xây dựng chỉnh trang đô thị TP đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại I.
Trong đó, đề xuất một số giải pháp cải tạo các dòng kênh, sông trong nội đô trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến đầu tư một số dự án bằng vốn ngân sách TP như: chỉnh trang, kè lại sông Tam Bạc, đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ: dự kiến tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng; xây dựng kè, chỉnh trang đoạn sông Tam Bạc, sông Rế đoạn từ cầu Tam Bạc đến Nam cầu Bính dự kiến tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng; xây dựng kè, chỉnh trang đoạn sông từ cầu An Dương 1 đến cầu An Đồng: dự kiến tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng...
Về kế hoạch, lộ trình xây dựng công viên, khu vui chơi công cộng, theo Chủ tịch UBND TP, trong thời gian qua, TP tập trung nguồn lực cải tạo, xây dựng các công viên, khu vui chơi công cộng như: khu công viên Tam Bạc, vườn hoa Kim Đồng, khu vực vườn hoa xung quanh Cung văn hoá Hữu nghị Việt Tiệp...
Hiện, TP đang thực hiện cải tạo chỉnh trang sân vận động Máy Tơ (quận Ngô Quyền) thành công viên cây xanh với diện tích khoảng 3 ha. Bên cạnh đó, TP trình Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cụ thể đến năm 2025 diện tích đất cây xanh trên địa bàn TP khoảng 9.653 ha; năm 2035 khoảng 15.007 ha.
Chậm trễ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Xoay quanh việc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn TP bị kéo dài, gây rất nhiều khó khăn cho người dân khi mua bán, chuyển nhượng, tách thửa đất; đặc biệt việc tách thửa đất phát sinh thêm chi phí trích đo địa chính thửa đất là 1,9 triệu đồng/thửa. Đại biểu Lưu Xuân Cải đề nghị Chủ tịch UBND TP làm rõ tình trạng trên và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Giải thích vấn đề này, Chủ tịch UBND TP lý giải, việc thu 1,9 triệu đồng/thửa kinh phí thực hiện trích đo địa chính khi thực hiện tách thửa là theo quy định của UBND TP tại Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND ngày 13/12/2019. Việc cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ là đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp được cấp GCNQSDĐ và thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Từ ngày 15/3/2020 đến 2/12/2020, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TNMT tiếp nhận 14.234 hồ sơ, trong đó trả kết quả 13.210 hồ sơ, đang giải quyết 334 hồ sơ, trả về các Chi nhánh tại các quận, huyện để bổ sung 690 hồ sơ.
Trong thời gian tới, TP chỉ đạo Sở TNMT tập trung nâng cao năng lực cán bộ tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đủ trình độ để hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ. TP sẽ bố trí kinh phí và chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên toàn TP để tránh chồng lấn và sai sót trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đại biểu Nguyễn Hải Hà nêu câu hỏi về các hộ dân của huyện Kiến Thụy, An Lão thuộc diện tái định cư của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhưng đến nay chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND TP cho biết, về vấn đề tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì tổng giá trị quyết toán các khu tái định cư hơn 281 tỷ đồng.
Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã ứng trước kinh phí đầu tư xây dụng các khu tái định cư của dự án trên địa bàn các quận, huyện: Hải An, Dương Kinh, Kiến Thụy, An Lão với số tiền là 220 tỷ đồng. Số kinh phí giải phóng mặt bằng VIDIFI tạm giữ của các hộ dân hơn 65 tỷ đồng. Số tiền TP phải hoàn trả VIDIFI hơn 58 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do quy định không thể ghi thu, ghi chi để khấu trừ các khoản kinh phí trên, nên TP sẽ phải bố trí nguồn vốn đầu tư công năm 2021 để hoàn trả số tiền 220 tỷ VIDIFI, phần còn thiếu theo giá trị quyết toán yêu cầu các địa phương bố trí từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách TP phân cấp cho địa phương.
Như vậy, sau khi quyết toán các khoản kinh phí nêu trên, VIDIFI hoàn trả số tiền tạm giữ của các hộ dân để các hộ dân nộp tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Đối với các lô đất tái định cư còn lại tại các khu tái định cư, UBND TP chỉ đạo các địa phương tổ chức đấu giá và nộp 100% tiền thu được vào ngân sách TP.