Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phù hợp lòng dân

Bản thân tôi rất thỏa mãn khi được đọc Nghị quyết của Đại hội lần thứ 11 của Đảng. Tôi nhận thấy toàn bộ tinh thần của Nghị quyết là phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh và đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân ta.

Bản thân tôi rất thỏa mãn khi được đọc Nghị quyết của Đại hội lần thứ 11 của Đảng. Tôi nhận thấy toàn bộ tinh thần của Nghị quyết là phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh và đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân ta.
Nghị quyết thẳng thắn xác nhận: “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chậm; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, phân hoá giàu nghèo tăng lên…”

Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phù hợp lòng dân ảnh 1

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước là một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đề cập.
Trong ảnh: Lớp đào tạo thuyền trưởng tại chỗ của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam.
                                                                                                       Ảnh: Duy Thính

Trả lời phỏng vấn đầu Xuân này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: “Việt Nam là nước đang phát triển, cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần xóa đói giảm nghèo mà đầu tư vào xóa đói giảm nghèo thì không ra giá trị sản lượng được, chỉ mang lại giá trị phát triển bền vững lâu dài. Cho nên đừng nhìn vào ICOR cao mà cần phân tích cụ thể cao ở chỗ nào, chỗ nào cần khắc phục. Ở đây đúng là có những chỗ cần khắc phục như đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước cần phải tính toán kỹ. Đầu tư từ ngân sách chủ yếu là vào cơ sở hạ tầng. Hiện nay cơ sở hạ tầng đang yếu kém quá mức nên chúng ta phải tập trung vào, nhưng cách thức quản lý nguồn vốn ngân sách chưa tốt ở chỗ khả năng quản lý hay xây dựng dự toán chưa chặt chẽ. Chúng ta đang phân cấp phần phê duyệt dự toán cho bộ chuyên ngành, ví dụ công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải, các công trình dân dụng công nghiệp thì do Bộ Xây dựng..., cách thức như vậy không mang lại sự khách quan. Sắp tới đây chúng ta phải đưa cơ chế mới vào để bảo đảm đầu tư có sự giám sát chặt chẽ hơn và tính toán hiệu quả tốt hơn. Cụ thể phải đưa cả tư nhân vào cùng tham gia đầu tư theo phương thức đầu tư công tư kết hợp. Có tư nhân vào sẽ giám sát hiệu quả đầu tư tốt hơn, tính toán đầu tư có hiệu quả hơn”.

Theo tôi đó là những ý kiến rất xác đáng và cần có nhiều ý kiến cụ thể như vậy để khắc phục các nhược điểm của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đã thừa nhận. Về tình trạng phân hóa giàu nghèo thì bộ phận chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân. Tham luận tại Đại hội Đảng, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân đã đánh giá: “Nhìn chung, nông dân thu nhập còn thấp, mức sống chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn quá manh mún, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu, môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, tư duy kinh tế gắn sản xuất với thị trường của người dân còn thiếu hệ thống và chiều sâu; phong cách, kỷ luật lao động còn tùy tiện, chạy theo lợi nhuận trước mắt, ít quan tâm đến thương hiệu hàng hóa nông sản ổn định, đồng nhất, rõ ràng về xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nông dân cũng gặp những thách thức, khó khăn khác trong cơ chế thị trường, đó là: những bạn đồng hành vốn có của giai cấp nông dân đang có những biến động: các doanh nghiệp nhà nước chuyển nhanh sang cổ phần hóa, hướng về mục tiêu lợi nhuận; các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công của Nhà nước cũng chuyển sang xã hội hóa, tự chủ về tài chính; các tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế chuyển sang đối tác kinh doanh; người tiêu dùng chuyển thị hiếu về sản phẩm chất lượng cao, bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng rộng, đã có những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và được trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam, Những khó khăn đó diễn ra ngay trong quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam để thực hiện CNH-HĐH đất nước; thêm vào đó là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất…”

Các công trình giao thông cần được áp dụng cơ chế đầu tư công tư kết hợp để tăng khả năng giám sát và hiệu quả. Trong ảnh: Đường 356 đoạn từ cảng Chùa Vẽ đi Đình Vũ luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Đức Lê

Các công trình giao thông cần được áp dụng cơ chế đầu tư công tư kết hợp để tăng khả năng giám sát và hiệu quả.
Trong ảnh: Đường 356 đoạn từ cảng Chùa Vẽ đi Đình Vũ luôn trong tình trạng quá tải.                                                                                                       Ảnh: Đức Lê

Nghị quyết cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.” Chính những hạn chế, yếu kém này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của đời sống tinh thần và làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đánh giá: “Phải thấy rằng, tỷ lệ số trí thức nước ta trên tổng dân số so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn thấp, hệ thống giáo dục chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu mới về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chưa hoàn thiện chính sách để thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài về phục vụ đất nước, một số chính sách chưa đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn của công cuộc đổi mới.” Tham luận của Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: “Do những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, lĩnh vực văn hóa cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự phát triển của văn hóa chưa đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, thiếu gắn bó với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế và nhiệm vụ xây dựng Đảng. Tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, coi thường pháp luật… những biểu hiện “thương mại hóa'', xu hướng vọng ngoại, lai căng, xa rời bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc ở một bộ phận chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu. Những sáng tạo văn học nghệ thuật mới có giá trị nghệ thuật cao chưa nhiều. Thực trạng đó là những nguy cơ tiềm ẩn làm xói mòn văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, làm cản trở bước đường đi tới hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc ta.” Tham luận của đồng chí Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nêu rõ: “Với tinh thần đánh giá nghiêm túc và thẳng thắn, chúng ta nhận thấy rằng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém: Giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn trong công tác PCTN còn có khoảng cách đáng kể; việc vận dụng một số chủ trương, chính sách và việc thực hiện các quy định cụ thể về PCTN ở nhiều nơi chưa nghiêm túc, thiếu sáng tạo; một số cơ chế, chính sách, quy định về quản lý kinh tế - xã hội và về công tác PCTN chậm được bổ sung, sửa đổi, dẫn đến hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong PCTN còn yếu. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội” chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ; sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước trong một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi... gây bất bình sâu sắc trong xã hội”.

Để khắc phục các hạn chế và yếu kém nói trên, Nghị quyết của Đại hội Đảng đã nêu lên các giải pháp mang tính quyết tâm rất cao, rất khoa học và phù hợp với ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân ta. Đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân; Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay; Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự, kỷ cương xã hội); Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này”.

Có lẽ, nhân dân ta không mong muốn gì hơn nếu các quyết tâm này được trở thành thực tiễn sinh động trong đời sống xã hội, thành hiện thực có thể kiểm chứng tại mọi ngành, mọi cấp, mọi cán bộ và đảng viên. Muốn như vậy phải cụ thể hóa trong từng chủ trương, chính sách, sao cho phù hợp với nghị quyết mà cũng chính là phù hợp với lòng dân. Làm thế nào để có những biện pháp phản biện thẳng thắn, xây dựng thông qua hoạt động của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng. Xây dựng được các quyết tâm và các chủ trương cụ thể nói trên là một thắng lợi lớn lao của Đại hội Đảng 11 nhưng đưa các Nghị quyết này trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống mới là thành công của Đảng, thành công của sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Khi đó không còn có thế lực thù địch nào có thể phá vỡ nổi khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu cao cả Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà nhân dân cả nước hằng mong ước. Và chỉ có làm được như vậy thì đất nước mới có thể bứt phá đi lên, hướng tới mục tiêu cao cả: đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Nhân dân ta không thể bằng lòng với những Nghị quyết rất hay nhưng không khả thi. Không thể tiếp tục lặp lại các bất cập và sai sót mà Đảng đã thẳng thắn thừa nhận như trong Nghị quyết. Có lẽ tất cả chúng ta không được quên lời căn dặn chí tình của Bác Hồ kính yêu: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghi quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng” (HCM toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, T5, tr.250).

GS.NGND.Nguyễn Lân Dũng

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.