Nghỉ đi rong là… ốm
Giữa trưa Hà Nội nắng nóng đến ngột ngạt, ở con phố Nguyễn Chí Thanh, nơi mà hàng cây cho bóng mát đã bị chặt hết, nhiều người đi đường để ý đến một cụ già nhỏ thó, trên cổ đeo một giỏ hàng nặng trĩu. Có người thấy ái ngại đã dừng xe lại gọi: “Cụ ơi, đang nắng nôi, cụ vào quán nghỉ cho khỏe, đi thế này tốn sức lắm”. Cụ chỉ nói lời cảm ơn rồi bảo: “Tôi ở xa, phải đi cho kịp về trước khi trời tối” và tiếp tục cuộc hành trình…
Chúng tôi dừng xe, theo ông cụ đi bộ vào một con ngõ nhỏ. Phải rình đúng lúc có chỗ nghỉ ngơi mát mẻ mới ngỏ lời mời cụ một cốc nước mía cho đỡ khát. Ban đầu cụ từ chối nhưng rồi thấy thịnh tình của chúng tôi, cụ cũng dừng bước. Trong câu chuyện bên cốc mía đá, cụ kể, cụ đi bán hàng rong từ năm 2004, khi thay con trai đưa cháu nội ra Hà Nội nhập học. Lúc ở nhà trọ trông nhà, tình cờ cụ gặp người bán hàng rong vui chuyện, cụ mới biết đến nghề này. Thấy phù hợp với mình, thế là hôm sau cụ cầm theo 500.000 đồng, bắt xe buýt lên chợ Đồng Xuân lấy hàng. Lấy xong, cụ quyết định đi bộ về nhà, vừa tìm đường về nhà, vừa tranh thủ bán được ít hàng nào hay ít ấy.
Trong hành trang đi rong của cụ là hộp dầu cao sao vàng và tuýp thuốc mỡ tra mắt để bất cứ lúc nào sức khỏe có vấn đề là cụ dùng luôn. Cụ bảo, cụ bị nóng gan sao đó, cứ nắng nóng là nó ngứa khắp người. Ban đầu cụ cứ dứt thịt da cho đỡ ngứa. Sau có một ông thầy đông y tốt bụng, bắt mạch cho cụ và báo bệnh, bảo cụ chỉ cần thoa thuốc mỡ tra mắt vào những chỗ ngứa thì dứt cơn là cụ làm ngay. Còn hộp dầu cao cụ dùng bất cứ khi nào cảm giác nghèn nghẹt nơi cổ họng hoặc bị trúng gió, ho khan ngứa hết cổ thì hộp dầu cao ấy lại giúp cụ cắt cơn ho. Cụ bảo, cả 10 năm rong ruổi khắp Hà Nội bán hàng, cụ chưa một lần phải dùng đến một viên thuốc cảm.
Bây giờ gần như khu vực nào cụ cũng có người thân, người quen. Trời lạnh họ mời cụ dừng chân, vào nhà mời chén nước ấm cho nóng người. Trời nóng họ bảo cụ nghỉ ngơi chút rồi mời cốc trà đá, cốc nước mía giải khát ngày hè hoặc đôi khi chỉ là dừng chân đôi chút, hỏi thăm nhau vài câu là cụ lại lên đường, tiếp tục hành trình đi rong của mình.
10 năm nay, chỉ trừ ngày mưa (và những ngày quê nhà có việc) cụ mới nghỉ bán hàng. Bởi với cụ, lao động chính là liều thuốc để cụ có được sức khỏe ngày hôm nay. Cụ bảo, con cháu, vợ ở nhà can ngăn mãi nhưng cụ còn sức là còn đi, bao giờ chân chậm, mắt mờ, cụ mới về Thanh Hóa để nghỉ ngơi.
Giúp con trả nợ xây nhà
Thời còn trẻ, 2 lần cụ tình nguyện đi khám sức khỏe để xung phong ra tiền tuyến mà đều bị hụt vì bị hẹp van tim. Ở lại quê nhà, cụ làm cung ứng hàng hóa cho hợp tác xã, đi khắp nơi lấy hàng về cho người dân quê cụ nên cụ gần như là người đối ngoại duy nhất trong nhà. Nghỉ hưu, được lãnh lương một cục, cụ mang cho các con để chúng lo cho các cháu ăn học. Các con cụ quanh quẩn với ruộng, với biển nên việc tiễn chân những đứa cháu đi học, đi làm ăn xa đều một tay cụ sắp đặt.
Hồi mới đi bán rong, hàng tháng cụ giúp 2 người con trai nuôi cháu nội ăn học ở Hà Nội. Các cháu ở trọ cùng bạn bè, cụ ở với những người cùng nghề nghiệp. Cứ hàng tháng, cụ cháu gặp nhau một lần, cụ đưa tiền sinh hoạt cho chúng. Đến bây giờ, cụ rất tự hào vì những đứa cháu của cụ đều đã trưởng thành, ăn học đàng hoàng. Cụ bảo, cụ luôn ủng hộ cho các cháu học. Nhà quê đã khổ, ở Quảng Xương (Thanh Hóa) còn khổ hơn. Bọn trẻ ở huyện được học hết cấp 2 đã là một nỗ lực lớn, nhưng cháu cụ đứa nhiều thì đã học thạc sĩ, đứa ít đều đã tú tài, có công ăn việc làm ổn định. Cụ tự hào vì thành quả đó có mồ hôi nước mắt và sự hy sinh của mình.
Sau khi các cháu ăn học xong, cụ lại góp sức xây nhà cho 2 người con trai. Cụ kể, khi cất nóc, 2 người con của cụ (người nhiều cũng đã 60 tuổi) vay mượn thêm khắp nơi, cộng lại khoảng 200 triệu nhưng chưa có khả năng chi trả. Hàng tháng cụ kiếm được tiền đều dành để gửi về cho các con trả nợ. Trả cho người con cả xong thì đến người con trai thứ hai. Trả hết nợ xây nhà, cụ vẫn dành tiền cho con. Mỗi tháng cụ lại cho họ vài trăm để họ sẵn tiền nộp sản, tiền phân bón cho hợp tác xã mỗi khi vào mùa vụ.
Mỗi ngày cụ bán được 400 nghìn, tiền lãi vào khoảng 200 nghìn, chi tiêu tằn tiện nên cụ cũng dành dụm được một khoản kha khá. Nhưng cụ bảo không bao giờ giữ tiền, sổ tiết kiệm cụ cũng không có. Được bao nhiêu cụ đều mang về cho vợ giữ, phần thì cụ cho các con, các cháu. Hỏi cụ, sao lại cứ bao bọc các con mình thế, cụ cười hiền, trả lời: “Ở nhà quê khổ lắm, tối mặt tối mũi mà có làm ăn được đâu. Mình giúp con cháu được chút nào hay chút ấy”.
Đứng dậy chào cụ để cụ tiếp tục cuộc hành trình, cụ còn khẽ khàng nhắc chúng tôi: “Các cháu nói khó với người bán hàng, bảo lâu lắm ông cháu mới gặp nhau nên ngồi hơi lâu. Mình uống mỗi cốc nước mía mà ngồi lâu, có thể họ không hài lòng đâu”. Đến đây thì tôi hiểu, tại sao ở khắp Hà Nội, đâu đâu cụ cũng có người quý mến, giúp đỡ. Vất vả rong ruổi mưu sinh khắp Hà thành nhưng hình như lúc nào cụ cũng chỉ nghĩ cho người khác, ngay cả những người xa lạ mà có thể cụ chỉ gặp một lần trong đời…/.