CSGT kiểm tra chất ma túy với người đi đường

Kiểm tra nhanh ma tuý với tài xế vừa đảm bảo TTATGT, vừa phòng ngừa đấu tranh tệ nạn ma tuý.
Kiểm tra nhanh ma tuý với tài xế vừa đảm bảo TTATGT, vừa phòng ngừa đấu tranh tệ nạn ma tuý.
(PLO) - Mới đây, Công an TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vừa đưa vào sử dụng thiết bị kiểm tra dương tính chất ma túy đối với người tham gia giao thông. Hàng triệu tài xế cùng có một băn khoăn việc kiểm tra này sẽ thực hiện ra sao, căn cứ pháp lý như thế nào? PLVN đã tìm đến Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an Hà Tĩnh tìm hiểu và ghi nhận. 

Khả năng phát hiện 5 loại ma túy phổ biến

Khi chưa đưa thiết bị kiểm tra dương tính ma túy vào sử dụng, Hà Tĩnh từng “nổi tiếng” vì có những đêm CSGT phải xử lý số lượng tài xế vi phạm nồng độ cồn với tổng mức phạt lên đến cả trăm triệu đồng. Bên cạnh việc tài xế vi phạm “thở ra cả trăm triệu tiền phạt” như vậy, nhiều trường hợp còn bị phát hiện “ngáo đá”, sử dụng chất ma túy. 

Nhằm ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, Công an TP Hà Tĩnh đã mở nhiều chuyên đề, xây dựng kế hoạch để phòng ngừa. Đầu tháng 9/2018, đơn vị này lần đầu tiên đưa thiết bị kiểm tra dương tính chất ma túy với người tham gia giao thông vào sử dụng. Theo kết quả tổng hợp nhanh. đến ngày 15/9, đã có 2 trường hợp bị phát hiện sử dụng ma túy khi điều khiển ô tô, CSGT đã tạm giữ giấy phép lái xe, tiếp tục xử lý. 

Theo cơ quan công an, thiết bị thử chất ma tuý này có thể kiểm tra tại chỗ được 5 loại ma tuý phổ biến với người sử dụng. Việc kiểm tra nồng độ chất ma tuý nhanh gọn, hoàn tất trong vài phút. Cảnh sát sẽ yêu cầu người tham gia giao thông ngậm một thiết bị đo trong vài giây. Đây là thiết bị cầm tay, nhỏ gọn, chỉ dùng đo 1 lần, không tái sử dụng được. 

Đi kèm với thiết bị cầm tay này là một máy đo nồng độ ma túy có khả năng phát hiện các chất ma túy khác nhau. Cảnh sát sẽ đưa kết quả đo từ thiết bị cầm tay vào máy đo trên để cho kết quả tại chỗ. Nếu phát hiện dương tính với ma tuý, sẽ tiếp tục kiểm tra hàm lượng và đưa ra hướng xử lý. 

Quá trình thực hiện này luôn diễn ra công khai và đảm bảo giữ cho hoạt động tham gia giao thông qua chốt kiểm tra diễn ra bình thường. Tại chốt tuần tra thực hiện chuyên đề cũng luôn có đầy đủ thành viên các đội cảnh sát phòng chống ma tuý, cảnh sát trật tự, phối hợp sàng lọc các đối tượng nghi vấn để kiểm tra và có biện pháp xử lý.

Thiếu tá Phạm Duy Thành – quyền đội trưởng đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh đánh giá: “Kinh phí thực hiện công tác kiểm tra cho một lần với một đối tượng không nhỏ, nên lãnh đạo công an thành phố đã phân công các đội chuyên ngành như cảnh sát ma tuý, điều tra, trật tự cùng phối hợp sàng lọc các đối tượng cụ thể, bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả”.

Căn cứ pháp lý nào?

Trước hoạt động của Công an TP. Hà Tĩnh, dư luận quan tâm đặt ra nhiều câu hỏi như: Căn cứ pháp lý để Công an Hà Tĩnh triển khai kế hoạch? Người bị phát hiện dương tính với ma túy bị xử lý như nào? 

Để làm rõ những vấn đề trên, PLVN đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Công Dũng – Phó Trưởng Công an TP Hà Tĩnh. Thượng tá Dũng cho biết, việc áp dụng thiết bị kiểm tra ma túy là kế hoạch đề ra trong các chuyên đề thực hiện kiểm tra người tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất trật tự giao thông và người dân khi đi đường. Việc đưa thiết bị vào kiểm tra ma túy với người đi đường đều đảm bảo đúng văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giao thông Đường bộ, Nghị định 46/2016/NĐ-CP....

“Chiếc máy kiểm tra ma tuý tại chỗ này có giá hơn 500 triệu đồng, được lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên trang bị cho Công an TP sử dụng. Có thể nói, hoạt động này vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng cũng đồng thời vừa phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tệ nạn ma tuý trên toàn thành phố. Việc cơ quan chức năng căn cứ vào việc kiểm tra hành chính các phương tiện, qua đó nếu phát hiện được các trường hợp tàng trữ, sử dụng chất ma tuý cũng là cách phòng ngừa các hậu quả xấu có thể xảy ra. Đây là điều chúng tôi luôn trăn trở bấy lâu nhưng nay mới có phương tiện và trang thiết bị để thực hiện”, Thượng tá Nguyễn Công Dũng cho biết.

Theo Thượng tá Dũng, việc thực hiện kiểm tra ma tuý bằng máy được tiến hành theo các ngày trong tuần, theo các thời gian cụ thể, đặc biệt trong tháng an toàn giao thông và các dịp lễ, tết sẽ được cơ quan chức năng chú trọng quan tâm. Trước mắt các tổ kiểm tra sẽ làm theo từng điểm, thứ nhất là theo các mốc thời gian, thứ hai là theo các tuyến địa bàn, và thứ ba là theo các đối tượng. Các đối tượng là lái xe taxi dấu hiệu nghiện hút, các “con nghiện” trên địa bàn đã được quần chúng nhân dân phản ánh nhiều. Nếu kiểm tra được nồng độ ma tuý, lập tức tổ công tác sẽ chuyển cho đội ma tuý điều tra bổ sung, qua đó có thể phát hiện thêm nhiều đối tượng, cá nhân liên quan đến tội phạm ma tuý. 

Trả lời PLVN, đại diện Ủy ban ATGT quốc gia cũng như nhiều luật sư nêu quan điểm, việc đưa thiết bị vào kiểm tra ma túy với người đi đường là đúng quy định pháp luật. Trước đó, vào năm 2016 lực lượng liên ngành Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã phối hợp với Cục CSGT đường bộ, đường sắt ra quân triển khai kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Các lực lượng đã đưa máy test giúp phát hiện nhanh lái xe có sử dụng ma tuý hay không trong 5-10 phút. 

Theo Luật sư Lê Đình Giáp - Văn phòng luật sư Lê Hùng, Hà Tĩnh, Khoản 7 Điểu 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma tuý.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26//2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ phạt tiền từ 16 triệu đến 18 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý của người thi hành công vụ; phạt tiền từ 3 – 4 triệu đồng đối với người đi xe moto gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý đối với người thi hành công vụ...

Điều 4 Luật Phòng chống ma tuý năm 2000 cũng quy định việc phòng, chống ma tuý là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhà nước có chính sách sử dụng đồng bộ các biện pháp để phòng chống tệ nạn ma tuý. 

“Do đó theo việc CSGT và lực lượng chức năng dùng các thiết bị nghiệp vụ để  đo nồng độ cồn, kiểm tra ma tuý đối với người tham gia giao thông để phát hiện vi phạm là đúng quy định pháp luật”, Luật sư Giáp nói. 

Thượng tá Nguyễn Công Dũng – Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh: “Chúng tôi hi vọng trang thiết bị hiện đại này sẽ được sử dụng hiệu quả, nhằm đảm bảo tốt tình hình trật tự an toàn giao thông, mang lại sự tin tưởng đối với người đi đường. Đồng thời cũng gián tiếp làm suy nhụt ý chí của các loại tội phạm ma tuý. Biện pháp này khá mới mẻ, nhưng được nhiều người dân ủng hộ”.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.