Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó BCĐĐHG vừa ký ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐĐHG tại cuộc họp BCĐĐHG hôm 28/9.
Kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu
Mặc dù có nhiều yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng giá nhưng CPI tháng 9/2018 chỉ tăng 0,59% so với tháng 8 /2018, CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,57% so với cùng kỳ năm 2017. “Đây là mức tăng sát với kịch bản dự báo và cho thấy dù diễn biến các tháng cuối năm vẫn còn thách thức nhưng khả năng thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm 2018 theo chỉ tiêu Quốc hội giao là trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các biến động quá bất thường từ diễn biến địa chính – chính trị và thị trường hàng hóa thế giới...” - Phó Thủ tướng nhận định.
Đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng đến mặt bằng giá thị trường 3 tháng cuối năm 2018, BCĐĐHG nhận thấy mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của các yếu tố làm tăng áp lực và các yếu tố tạo thuận lợi cho công tác điều hành giá. Trong đó, các yếu tố thuận lợi giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI như: cung cầu hàng hóa, nhất là ngành sản xuất nông nghiệp được cân đối, nguồn cung dồi dào, ổn định; giá thuốc chữa bệnh, vật tư y tế tiếp tục có triển vọng giảm; giá cước viễn thông tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; lạm phát cơ bản ở mức thấp, áp lực tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt, cung tiền, tín dụng được điều hành thận trọng; áp lực về điều hành các mặt hàng nhà nước còn định giá từ nay đến cuối năm không lớn.
Bên cạnh đó, những yếu tố tạo áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng tăng giá hàng hóa thế giới, trong đó có biến động tăng của giá một số nhiên liệu như xăng dầu, LPG do diễn biến phức tạp của tình hình địa – chính trị thế giới; thiên tai, bão lũ còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường.
“Những yếu tố trên đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục cố gắng nỗ lực, đặc biệt không để xảy ra lạm phát kỳ vọng không chỉ của năm 2018 và cả trong năm 2019...”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Sát sao hơn với từng mặt hàng, dịch vụ
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường đối với các mặt hàng có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, LPG, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung - cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết. Tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...).
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức khoảng 1,5% - 1,6%. Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để điều hòa lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước nhằm giảm áp lực về lượng tiền lưu thông và áp lực lên lạm phát.
Liên quan đến điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, đáng chú ý, Bộ NN&PTNT cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn; Đối với mặt hàng xăng dầu, trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Về giá điện, trường hợp cần thiết phải tăng giá cần cân nhắc điều chỉnh ở mức phù hợp, gắn với đó là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về giá...
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đối với dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, dịch vụ giáo dục, vật liệu xây dựng, dịch vụ viễn thông dịch vụ vận tải. Riêng với dịch vụ hàng hải. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container phù hợp với mặt bằng giá các nước trong khu vực và điều kiện thực tế tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp với Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê), Bộ Tài chính trong việc đánh giá tác động của lộ trình điều chỉnh để không gây tác động đến chỉ số CPI và các mặt kinh tế - xã hội khác.
Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương, UBND, HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn, nhất là các tháng trước, trong và sau Tết.