Một nghiên cứu của Mỹ mới đây đã cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về các vấn đề tim mạch phổ biến hậu COVID-19. Các nhà khoa học khẳng định rằng COVID-19 có thể gây những tổn thương cho tim.
Các nghiên cứu đã ghi nhận một loạt các nguy cơ và chấn thương tim mạch ở bệnh nhân COVID-19
Đó là nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y - Đại học Washington ( St. Louis – Hoa Kỳ). Nghiên cứu cho thấy những người đã khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim trong năm đầu tiên sau mắc bệnh. Nghiên cứu được công bố trên Nature Medicine.
Bác sĩ tim mạch của Đại học Nam California, Tiến sĩ Gregg C. Fonarow - người không tham gia vào nghiên cứu cũng khẳng định: "Đã ghi nhận một loạt các nguy cơ và chấn thương tim mạch ở bệnh nhân COVID-19".
Tiến sĩ Ziyad Al-Aly- Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe VA St. Louis và là nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington cho biết: "COVID-19 có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng và tử vong. Trái tim không tái tạo hoặc dễ dàng phục hồi sau khi bị tổn thương. Do vậy, đây là những căn bệnh sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân suốt đời".
Tiến sĩ, bác sĩ Richard C. Becker, Giám đốc tại Viện Tim, Phổi và Mạch máu của Đại học Cincinnati – người không tham gia vào nghiên cứu – cho biết thêm: "Những tác động tim mạch này là lâu dài và có thể nghiêm trọng thậm chí đe dọa tính mạng. Do vậy, điều quan trọng là 'nhận thức' rõ vấn đề và lập ra một kế hoạch ứng phó tốt với tình trạng này".
Những vấn đề tim mạch nào được ghi nhận ở bệnh nhân COVID-19 sau hồi phục?
Nghiên cứu đã thống kê các loại tổn thương tim được ghi nhận sau khi nhiễm SARS -CoV-2, bao gồm: Các rối loạn mạch máu não (đột quỵ và TIA), rối loạn nhịp tim (rung nhĩ , nhịp nhanh xoang, nhịp chậm xoang, loạn nhịp thất và cuồng nhĩ), bệnh viêm tim (viêm màng ngoài tim và viêm cơ tim), thiếu máu cục bộ (bệnh mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim , bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và đau thắt ngực), các rối loạn tim khác (suy tim, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ, ngừng tim), rối loạn huyết khối (thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu và huyết khối tĩnh mạch nông), MACE (tử vong do mọi nguyên nhân, đột quỵ và nhồi máu cơ tim).
Các nguy cơ rõ ràng ngay cả ở những người bị COVID-19 nhẹ chỉ cần điều trị tại nhà và tăng dần theo cách phân loại theo cơ sở chăm sóc trong giai đoạn cấp tính (không nhập viện, nhập viện và nhập viện chăm sóc đặc biệt).
Người cao tuổi và người có các bệnh nền gặp nguy cơ cao hơn khi mắc COVID-19
Ngoài ra, COVID-19 còn tỏ ra "phân biệt đối xử" khi ảnh hưởng rõ ràng hơn, gây rủi ro cao hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người da mầu, những người hút thuốc, những người mắc bệnh đi kèm - tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận- Tiến sĩ Al-Aly nhận xét.
Ý kiến chuyên gia
Tiến sĩ Becker giải thích nguyên nhân COVID-19 gây ra rất nhiều tổn thương cho tim: "Chúng ta biết rằng nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong giai đoạn ban đầu hoặc cấp tính có thể gây viêm cơ tim; viêm màng ngoài tim; nhồi máu cơ tim xuất phát từ tình trạng nhiễm trùng, nồng độ oxy trong máu thấp, hoặc hình thành cục máu đông trong động mạch vành; và suy tim."
Tiến sĩ Becker lưu ý: "Có căn cứ để tin rằng các cục máu đông (huyết khối) gây ra các cơn đau tim và đột quỵ trong COVID-19 có những đặc điểm khác biệt. Cụ thể là tỷ lệ bạch cầu cao hơn nhiều so với tỷ lệ được thấy ở các bệnh lý khác. Lý thuyết về cục máu đông COVID-19 đang bắt đầu hình thành. Nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và cách phòng ngừa cũng như điều trị tối ưu ".
Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, viêm màng ngoài tim do COVID-19 có thể khó điều trị hơn so với các bệnh viêm màng ngoài tim do vi rút khác và khả năng tái phát dường như phổ biến hơn.
Trước đó, một số nghiên cứu điều tra kết quả tim mạch trong giai đoạn sau cấp tính của COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết chỉ giới hạn ở những người nhập viện (đại diện cho thiểu số những người bị COVID-19), và tất cả đều có thời gian theo dõi ngắn và lựa chọn hẹp các kết quả về tim mạch. Chưa có một đánh giá toàn diện về di chứng COVID-19 sau cấp tính của hệ tim mạch trong và sau 12 tháng và các nghiên cứu về di chứng sau cấp tính COVID-19 trên phạm vi phân loại theo cơ sở chăm sóc trong giai đoạn cấp tính (không nhập viện, nhập viện và nhập viện chăm sóc đặc biệt) cũng thiếu. Nghiên cứu trên giải quyết khoảng trống này và sẽ cung cấp căn cứ để thiết lập các chiến lược chăm sóc COVID-19 sau giai đoạn cấp tính.
Người đã bị COVID-19 cần đến khám bác sĩ nếu những triệu chứng tim mạch
Theo dõi sức khỏe hậu COVID-19
Theo các chuyên gia, chiến lược tốt nhất - ít nhất là cho đến khi có thêm thông tin - là những người đã hồi phục sau COVID-19 vẫn cần đề phòng các dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim mạch. Tiến sĩ Becker khuyên:"Bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả những người có các triệu chứng ban đầu nhẹ, nên nói chuyện với bác sĩ điều trị về các triệu chứng kéo dài hoặc mới xuất hiện, như mệt mỏi, tập thể dục không nổi, đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, ngất xỉu.". Các chuyên gia khuyến cáo những người đã bị COVID-19 cần ngay lập tức tham khảo ý kiến bác sĩ nếu những triệu chứng này xảy ra.