Hành trình đến với Công viên địa chất toàn cầu
Ngày 7/7 vừa qua, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris (Pháp), Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu.
Với sự công nhận này, Công viên Địa chất Đắk Nông trở thành Công viên Địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới có tổng cộng 147 Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO ở 41 quốc gia.
Trong kỳ họp xét này, ngoài Công viên Địa chất Đắk Nông, còn có 14 Công viên Địa chất toàn cầu khác chính thức tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Như vậy, tính đến nay, trên thế giới có 162 Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể.
Một Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Năm 2014, sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện và công bố, tỉnh Đắk Nông đã quyết tâm xây dựng Công viên Địa chất Đắk Nông theo mô hình và định hướng phát triển tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu.
Dựa trên các cứ liệu khoa học, tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thành lập Công viên Địa chất Đắk Nông với diện tích hơn 4.700km2, ranh giới bao gồm 6 huyện, thành phố: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa.
Hình ảnh trong Lễ hội con đường thổ cẩm Đắk Nông. |
Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Công viên Địa chất tỉnh Đắk Nông được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở cứ liệu khoa học, UBND tỉnh Đắk Nông đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên Địa chất khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông” và đề tài “Điều tra khảo sát bổ sung” làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông để đăng ký gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO.
Tỉnh Đắk Nông đã cử nhiều đoàn công tác đi tham dự Hội nghị về mạng lưới Công viên Địa chất châu Á Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản; Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh… với mục đích giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về Công viên Địa chất và kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO. Đến tháng 7/2018, tỉnh Đắk Nông đã mời các chuyên gia thẩm định đánh giá sơ bộ tiềm năng của Công viên Địa chất Đắk Nông.
Đắk Nông - vùng đất huyền thoại. |
Theo đó, các chuyên gia đã xác định Công viên Địa chất Đắk Nông có tiềm năng trở thành Công viên Địa chất toàn cầu, với chủ đề chính là “Xứ sở của những âm điệu”. Tháng 11/2018, tỉnh Đắk Nông chính thức đệ trình hồ sơ lên UNESCO xin đăng ký gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.
Sau khi xem xét hồ sơ đảm bảo các quy định của UNESCO, Ban Thư ký của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đã thống nhất tiến hành thẩm định chính thức tại Công viên Địa chất Đắk Nông từ ngày 7 - 11/7/2019. Đến tháng 9/2019, Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu đã họp tại Indonesia và xem xét, đánh giá tổng thể các hồ sơ được mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đề cử trên toàn thế giới, trong đó có hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam.
Trên cơ cơ sở đánh giá khoa học về các giá trị của hồ sơ đề cử, căn cứ theo các tiêu chí chặt chẽ của Công viên Địa chất toàn cầu, Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu đã nhất trí khuyến nghị Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua việc đề cử Công viên Địa chất Đắk Nông gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Hội đồng Chấp hành UNESCO dự kiến sẽ họp và thông qua tại khóa họp lần thứ 209 vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, khóa họp được diễn ra từ 29/6 - 10/7 vừa qua.
Và ngày 7/7, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua việc hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Dự kiến, Bằng công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sẽ được trao tại Hội nghị quốc tế về mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 9 vào tháng 9/2020 tại Công viên Địa chất toàn cầu Jeju (Hàn Quốc).
“Xứ sở của những âm điệu”
Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông - “Xứ sở của những âm điệu” từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông là hệ thống hang động nằm trong các núi đá bazan, phân bố ở khu vực D’Ray Sáp - Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007.
Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, sự đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ…
Biểu diễn Lễ hội truyền thống trên đường phố Đắk Nông. |
Đến nay, các nhà khoa học xác định hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m. Trong khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông còn có các di sản kiểu cổ sinh, các mỏ và điểm quặng khoáng sản, các di vật khảo cổ, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây cũng là khu vực có đa dạng sinh học cao. Thời gian qua, cùng với đệ trình lên UNESCO hồ sơ Công viên Địa chất một cách đầy đủ, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch gồm 44 điểm du lịch.
Cụ thể, tuyến 1: “Trường ca của nước và lửa” bắt đầu từ TP Gia Nghĩa - Quảng Sơn - Krông Nô gồm có 14 điểm du lịch; tuyến 2: “Bản giao hưởng của sự đổi thay” bắt đầu từ cầu Sêrêpốk (huyện Cư Jút) đến TP Gia Nghĩa gồm 16 điểm du lịch; tuyến 3: “Âm vang từ trái đất” bắt đầu từ TP Gia Nghĩa đi Tà Đùng (huyện Đắk Glong) gồm 14 điểm du lịch.
Đến nay, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông đã cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở vật chất phát triển du lịch tại các điểm, tuyến du lịch. Đó là các điểm đỗ xe, chòi dừng chân, hệ thống pano quảng bá trên các tuyến đường, biển bảng chỉ dẫn đi đến các điểm di sản, điểm tham quan của Công viên Địa chất .
Cùng với đó, hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ của Công viên Địa chất được phát triển. Cụ thể là đối tác cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch, vận chuyển du lịch và mô hình tham quan du lịch theo 3 tuyến du lịch của Công viên Địa chất .
Từ đó, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư trong vùng Công viên Địa chất . Sau khi được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, các cơ quan liên quan, trong đó có Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND tỉnh Đắk Nông, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên.
Đồng thời, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc… song song với phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển du lịch bền vững, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông.