Trước tình hình này, ban lãnh đạo xã Tứ Hiệp và huyện Thanh Trì cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp Sơn Lâm cố tình chống đối, coi thường cấp quản lý nên đã lập tức tìm hiểu thực tế, kiên quyết yêu cầu đơn vị này dừng mọi hoạt động tại kho bãi để trả lại diện tích nhà văn hóa cho nhân dân.
Chính quyền quyết liệt vào cuộc
Trưa ngày 20/11, nhiều người dân ở thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp phản ánh công nhân làm việc tại Công ty CP Dược Sơn Lâm vẫn đang tiến hành phơi, sấy dược liệu, vị thuốc đông y chiếm hết khuôn viên nhà văn hóa. Quan trọng hơn nữa là quá trình phơi hàng hóa diễn ra thủ công, không đúng theo quy định của ngành dược, gây mất vệ sinh an toàn dược liệu.
Nhận được phản ánh của người dân, đầu giờ chiều ngày 20/11, PV đã có mặt tại Nhà văn hóa thôn Văn Điển, nhận thấy những phản ánh của người dân hoàn toàn đúng sự thật. Hàng tạ dược liệu, vị thuốc đang được công nhân của doanh nghiệp Sơn Lâm tiến hành phơi giữa ngoài trời, bên dưới chỉ rải một tám bạt ni-lông rồi đổ dược liệu chữa bệnh lên trên.
Toàn bộ quá trình phơi diễn ra thủ công, công nhân không mang theo đồ phòng hộ để đảm bảo vệ sinh an toàn. Quá trình phơi sấy hàng hóa khiến cho khuôn viên của Nhà văn hóa thôn Văn Điển trở nên chật hẹp, bụi bẩn.
Chiều ngày 20/11, PV liên hệ với ông Chử Minh Quân - Chánh Văn phòng huyện Thanh Trì để tìm hiểu thông tin thì được biết ông đã nắm được tình hình và chỉ đạo chính quyền xã Tứ Hiệp phối hợp để xử lý vụ việc.
Tiếp tục liên hệ với bà Ngô Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch xã Tứ Hiệp cho phóng viên báo chí biết: "Chúng tôi đã buộc công ty CP Dược Sơn Lâm phải rời kho bãi ở nhà văn hóa thôn Văn Điển. Trong thời gian này, doanh nghiệp Sơn Lâm không được có những hành động lấn chiếm khuôn viên nơi sinh hoạt của người dân. Việc doanh nghiệp Sơn Lâm vẫn cố tình phơi thuốc là đơn vị này đã cố tình vi phạm. Chúng tôi sẽ nhanh chóng xử lý vụ việc để không gây bức xúc cho người dân".
Ngay khi nhận được phản ánh của PV, bà Hằng đã cử cán bộ đến địa phần Nhà văn hóa thôn Văn Điển để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nên doanh nghiệp Sơn Lâm bất ngờ thu dọn mọi dược liệu, vị thuốc đang phơi tại khuôn viên nhà văn hóa.
Bà Hằng khẳng định: “Giữa tháng 11/2015, đại diện doạnh nghiệp Sơn Lâm có lên trụ sở xã cam kết sẽ di dời kho bãi nhưng chúng tôi không chấp nhận mà buộc công ty này phải di dời trước ngày 25/11. Bởi lẽ, công ty này đang lấn chiếm diện tích của nhân dân, gần đây cũng có nhiều sai phạm về chất lượng, bảo quản sản phẩm của mình. Chúng tôi không thể dung túng cho doanh nghiệp, chứa chấp những thứ gây hại cho người dân”.
Trước đó, bà Hằng cũng từng chia sẻ: “Tôi có vài lần cùng với đoàn kiểm tra liên ngành tới kho bãi của doanh nghiệp Sơn Lâm làm việc nhưng sự thật khi chứng kiến tận mắt thì thật lòng mà nói, lần sau không dám dùng thuốc đông y luôn”. Bởi theo bà Hằng, việc bảo quản thuốc ở đây diễn ra sơ sài, không đảm bảo khiến cho bản thân “cảm thấy sợ”.
Không để doanh nghiệp thách thức, nhờn luật
Việc Công ty CP Dược Sơn Lâm bị buộc rời nhà kho khỏi khuôn viên Nhà văn hóa thôn Văn Điển nhưng vẫn cố tình chậm trễ, có những hành động phơi thuốc, sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra khiến cho nhiều người dân trong khu vực nghi ngờ có tình trạng doanh nghiệp làm bừa, nhờn luật.
Anh N.T.M - 45 tuổi, một người dân sống ở cạnh Nhà văn hóa thôn Văn Điển cho biết, doanh nghiệp dược Sơn Lâm lấy nhà văn hóa làm kho bãi từ 6 - 7 năm nay khiến người dân vô cùng bức xúc khi nhân dân không có chỗ sinh hoạt. Nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khi hàng ngày có hàng trăm lượt xe của doanh nghiệp này ra vào gây bụi bẩn, tiếng ồn.
Còn chị P.T.L - cùng sống trên địa bàn chia sẻ: "Mỗi lần công ty Sơn Lâm phơi, sấy thuốc là tiếng ồn, bụi bẩn khiến người dân trong khu vực đau đầu. Hàng đêm, xe của công ty ra vào kho khiến cho nhiều người bị mất ngủ, rất bức xúc".
Khi được hỏi về việc thuê nhà văn hóa là kho bãi của công ty Sơn Lâm, tất cả người dân thôn Văn Điển đều không nắm rõ từ bao giờ, có hợp đồng hay không, đơn vị nào trực tiếp đứng ra cho doanh nghiệp này thuê lại. Mặt khác, không có quy định nào cho phép lấy khuôn viên nhà văn hóa của nhân dân ra đem cho doanh nghiệp thuê để tạo nguồn thu. Chính vì thế, dư luận đặt ra có hỏi liệu có phải chính doanh nghiệp Sơn Lâm thách thức, cố tình hoạt động trên địa bàn một cách ngang nhiên từ nhiều năm nay?
Trước thông tin này, bà Ngô Thị Thu Hằng cho biết: "Xã không quản lý, không thu phí khi doanh nghiệp Sơn Lâm thuê nhà văn hóa làm kho bãi mà giao cho chính quyền thôn đảm nhiệm việc này. Quá trình thuê diễn ra được 6- 7 năm nhưng không có hợp đồng. Thu chi từ việc cho thuê kho bãi do chính quyền thôn Văn Điển tự chủ rồi công khai trong các cuộc họp".
Minh bạch về hoạt động quản lý và quyết tâm làm rõ của lãnh đạo địa phương, bà Hằng cho biết: "Chúng tôi không đứng ra thu phí, doanh nghiệp Sơn Lâm cũng do trực tiếp Sở Y tế Hà Nội quản lý. Đơn vị này đóng trên địa bàn nhưng thực tế cho đến nay tôi vẫn không biết mặt ông Phạm Văn Cách - Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm như thế nào thì làm sao có chuyện bảo kê được".
Bà Hằng một lần nữa khẳng định: “Công ty CP Dược Sơn Lâm tiến hành phơi sản phẩm trong thời gian bị chính quyền xã Tứ Hiệp buộc di dời nhà kho là cố tình vi phạm, chúng tôi không ủng hộ, chứa chấp hành vi đó. Nếu doanh nghiệp này còn tái diễn, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý và đề nghị cấp trên vào cuộc để thể hiện tính nghiêm minh”.
Ngoài ra, bà Hằng chia sẻ thêm về khó khăn trong vấn đề quản lý của địa phương khi Công ty CP Dược Sơn Lâm không thuộc sự quản lý của xã Tứ Hiệp nhưng khi có vấn đề gì thì xã lại là đơn vị bị truy trách nhiệm đầu tiên.
Ngày 18/11, cũng nói về điều này, ông Chử Minh Quân tỏ ra ngỡ ngàng khi chưa nắm được việc Công ty CP Dược Sơn Lâm thuê Nhà văn hóa thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp làm kho bãi. Bởi theo ông Quân, huyện Thanh Trì không quản lý Nhà văn hóa thôn mà giao cho xã Tứ Hiệp. Từ đó, ông Quân khẳng định không có chuyện huyện Thanh Trì bao che cho Công ty CP Dược Sơn Lâm có những sai phạm trong thời gian qua và khẳng định sẽ kiên quyết làm đúng pháp luật./.