Công trình kênh đào Suez mới, còn được nói đến như là một kênh đào Suez thứ hai, thực chất là một công trình mở rộng kênh đào cũ (có tổng chiều dài 193 km) trên một đoạn 37 km, và một nhánh phụ 35 km được làm thêm, cho phép tàu thuyền cùng lúc di chuyển theo hai chiều.
Kênh đào Suez mới cải thiện khả năng lưu thông tàu thuyền trên tuyến đường chiếm khoảng 8% giao thương hàng hải toàn cầu, Cairo hy vọng tăng thêm nguồn thu cho ngân khố.
Dự án mở rộng kênh đào Suez đem lại một nguồn hy vọng lớn, không chỉ từ phía chính quyền. Hồi năm 2014, chỉ trong vòng 8 ngày, người dân Ai Cập đã ào ạt mua tổng cộng hơn 6 tỷ euro trái phiếu do Ngân hàng trung ương phát hành để góp vốn cho công trình.
Kênh đào Suez |
Công trình khổng lồ với tổng trị giá 7,8 tỷ euro bao gồm nhiều dự án phát triển các khu vực ven kênh đào, nhằm tạo ra một cơ sở công nghiệp và dịch vụ mới, được chính quyền tuyên bố có khả năng sử dụng đến hơn một triệu lao động trong hơn 10 năm.
Hơn một trăm nghìn công nhân đã được huy động để thực hiện công trình trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Để đáp ứng mục tiêu hoàn thành trong thời hạn sớm nhất, máy móc trên công trường hoạt động không kể ngày đêm.
Liệu công trình thế kỷ nói trên có xứng đáng sau những đầu tư và cái giá phải trả?
Công trình tự lực tầm cỡ
Ông Samir Amin, tác giả nhiều tác phẩm về thế giới Ả Rập, nhận định: “Đây là một niềm tự hào thực sự.
Trước đó một năm, khi chính phủ Ai Cập tuyên bố ý định thực hiện công trình này, nhiều ý kiến thời điểm đó cho rằng không thể làm được việc này nếu không có đầu tư quốc tế. Ngầm ẩn là quan điểm: Người Ai Cập không thể tự mình thực hiện được công trình quy mô như vậy.
Thực tế cho thấy việc huy động vốn đã được thực hiện hết sức nhanh chóng, hoàn toàn do người Ai Cập đóng góp. Quân đội Ai Cập đã được huy động vào mục tiêu này, và đã hoàn thành trong thời hạn kỷ lục. Báo chí quốc tế cho rằng, phải năm năm công trình mới có thể xong”.
Kinh tế gia Samir Amin khẳng định tính bức thiết của các dự án tầm cỡ, nhằm khẳng định khả năng tự lực phát triển đất nước: “Ai Cập, với 90 triệu cư dân, rất cần một công trình tầm cỡ như vậy, và những công trình tương tự khác.
Cả một lưu vực sông Nil mới, đổ về vùng đất trũng Qatar, ở phía tây thành phố Alexandria. Cần phải khai thác những nguồn tài nguyên khí đốt mới, đưa vào sử dụng hơn một triệu feddan đất (đơn vị đo lường cổ truyền Ai Cập), tức 500.000 ha đất nông nghiệp nữa.
Công trình này cho thấy Ai Cập có thể làm được những việc như vậy, với các phương tiện riêng của mình: tài chính, kỹ thuật viên cao cấp, nhân lực…
Công trình hoàn toàn do Ai Cập “tự lực cánh sinh” |
Một số công ty nước ngoài đã tham gia vào công trình này, cung cấp một số phương tiện như cần cẩu, máy xúc… và vận hành chúng, nhưng tất cả các phương tiện này đều được triển khai dưới sự điều khiển của doanh nghiệp Ai Cập.
Có nghĩa là họ nhận làm thầu cho các doanh nghiệp Ai Cập. Mà tình hình lâu nay nói chung vốn là ngược lại: các doanh nghiệp Ai Cập luôn luôn đứng ở vai nhận thầu.
Đây là một dự án rất lớn. Việc công trình này do chính người Ai Cập thực hiện, do quân đội Ai Cập cùng các công ty nhận thầu, là rất quan trọng. Điều này trả lại phần nào cho Ai Cập một vị trí trong khu vực.
Lâu nay người ta chỉ nói đến vùng Vịnh, đến Qatar, Dubai… vì Ai Cập không có tiền, không có phương tiện. Với công trình này, Ai Cập chứng minh là mình có phương tiện, điều này còn quan trọng hơn là chỉ có tiền”.
Công trình kênh đào Suez (cũ) cho phép rút ngắn một cách phi thường con đường từ Âu sang Á này trước tiên do sáng kiến của doanh nhân, chính trị gia François Lesseps, được hoàn tất vào năm 1869, với sự tham gia của hơn một triệu nhân công Ai Cập. Nhiều người đã bỏ mạng trong thời gian mười năm công trình.
Cần phải nhấn mạnh là, đối với đông đảo người Ai Cập, kênh đào Suez vẫn còn là một biểu tượng huyền thoại thời lập quốc.
Năm 1956, Tổng thống Ai Cập Nasser đã quyết định quốc hữu hóa công trình, lúc đó nằm trong tay Pháp và Anh, ít năm sau cuộc cách mạng lật đổ nền quân chủ dưới sự cai trị của Anh Quốc (năm 1952).
Kênh đào Suez, từ chỗ là niềm tự hào của công nghệ và khát vọng táo bạo của Châu Âu công nghiệp và thực dân, đã trở thành biểu tượng của một dân tộc Ai Cập đang trỗi dậy.
Năm 1956, Anh – Pháp ngầm thỏa thuận một kế hoạch quân sự tái chiếm chớp nhoáng kênh đào với sự can dự trực tiếp của quân đội Israel. Kế hoạch không thành công do không được Hoa Kỳ ủng hộ.
Người Ai Cập vui mừng trong lễ khánh thành |
Trở lại với kênh đào Suez mới, có ý kiến cho rằng bên cạnh ý đồ nối lại với di sản của nhà lập quốc Nasser, truyền thông đặc biệt chú ý tới hình ảnh tổng thống Ai Cập Sissi tới tham dự lễ khánh thành kênh đào mở rộng trên tàu El Mahroussa.
Đây cũng chính là con thuyền của hoàng gia Ai Cập từng đưa hoàng hậu Eugenie, vợ vua Napoleon III, từ Địa Trung Hải tiến vào Biển Đỏ lần đầu tiên vào năm 1869, nhân lễ khai trương kênh đào Suez lịch sử.
Còn đó nỗi lo
Bất chấp không khí rầm rộ, nhiều chuyên gia, như Jean Marcou, lo ngại hiệu quả kinh tế tương lai của công trình kênh đào Suez mở rộng.
Nếu như việc cải thiện khả năng lưu thông của kênh đào là một thực tế hiển nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng tuyến đường này sẽ tăng vọt như dự kiến.
Dự án Suez được thực hiện đúng vào lúc không khí tin tưởng trong ngành hàng hải thế giới đang xuống rất thấp.
Một thăm dò dư luận mới thực hiện, cho thấy hai phần ba người được hỏi, làm việc trong ngành hàng hải, có tâm trạng bi quan về triển vọng của thị trường này, trong khi con số tương đương là 9% trong ngành đường sắt.
Người Ai Cập vui mừng trong lễ khánh thành |
Báo La Tribune cho rằng: Ai Cập “đang chạy theo một vinh quang suy tàn. Tỷ trọng tàu thuyền qua Suez có xu hướng sụt giảm liên tục từ một thập niên nay. Chỉ riêng trong năm 2013, số lượng tàu đã giảm tới 16%”, do kinh tế Châu Âu đình trệ.
Viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang tiếp tục có chiều hướng chững lại là một dấu hiệu không vui đối với những người đặt hy vọng kênh Suez đầy ắp thuyền bè. Bên cạnh đó, những đe dọa khủng bố cũng không phải là vấn đề dễ dàng với chính quyền Ai Cập.
Chưa nói tới tác động sinh thái của tuyến kênh đào là điều dường như bị bỏ qua: Nhiều nhà môi trường cảnh báo tình trạng ảnh hưởng tiêu cực gia tăng của kênh đào đe dọa các cân bằng tại Địa Trung Hải, với làn sóng di cư ồ ạt của hàng trăm loài sinh vật biển từ Ấn Độ Dương, trong đó có nhiều loài gây nguy hiểm cho con người, ngư nghiệp.
Chưa kể các tác động của tình trạng độ mặn gia tăng. Cho dù cơ quan môi trường Ai Cập tuyên bố tuân thủ "các chuẩn mực quốc tế cao nhất" trong lĩnh vực này, nhưng vẫn có ý kiến nghi ngờ về vấn đề này.
Một trung tâm nghiên cứu kinh tế Ai Cập, độc lập với chính quyền, hồi tháng 6/2015, nêu ra một kịch bản khác.
Theo đó, Ai Cập nên đầu tư vào các dự án công nghệ viễn thông, điều này sẽ có lợi hơn là những hứa hẹn của về một khu vực kinh tế mới ven kênh đào, được kỳ vọng tạo thêm một triệu chỗ làm.
Người Ai Cập vui mừng trong lễ khánh thành |
Ý kiến này cho rằng một giải pháp như vậy mới cho phép Ai Cập hội nhập với giai đoạn dịch vụ công nghệ mới của thế giới đương đại.