Xã cho thuê đất trái thẩm quyền
Từ 2006 - 2019, 24 hộ dân này được UBND xã cho thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ ăn uống dọc bờ biển ở phía Nam cầu Cửa Tùng. Đến thời điểm triển khai thi công dự án, 6 hộ còn hợp đồng thuê đất đến 2024; và 18 hộ đã hết hạn theo hợp đồng.
Những hộ này cho rằng khu vực này trước đây chỉ là bãi cát hoang sơ, cỏ dại um tùm, mặt bằng lô nhô, các hộ phải tự bỏ kinh phí, chở đất, thuê máy móc san ủi cải tạo mặt bằng để xây các nhà hàng. Đa phần chưa thu hồi được vốn đầu tư sau khi xây dựng. Nay Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, những hộ này phải phá dỡ toàn bộ tài sản, còn khiến hơn 100 lao động bấp bênh.
Anh Trần Vĩnh Tùng (49 tuổi, chủ quán Tùng Thủy) nói: “Chúng tôi xây công trình trên đất thuê có hợp đồng với xã, xây dựng theo hướng dẫn của UBND xã; hàng năm nộp thuế, phí, lệ phí đầy đủ. Nay kết luận xã cho thuê sai thẩm quyền nên dân không được đền bù, là thiệt thòi cho dân”.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (46 tuổi, chủ nhà hàng Quỳnh Nga) đầu tư hơn 3 tỷ đồng để dựng quán: “UBND xã sai, khiến dân thiệt thòi như vậy thì không ổn. Mong cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu có phương án hợp lý”.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, ở bãi tắm Trung Giang, năm 2014, UBND xã đã tổ chức đấu giá và cho thuê địa điểm kinh doanh với 24 hộ là sai thẩm quyền; nên không đủ điều kiện để bồi thường.
Theo Báo cáo 490/BC-UBND ngày 21/11/2023 của UBND huyện gửi UBND tỉnh đề xuất kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) bãi tắm Trung Giang; thì 18 hộ kinh doanh đã hết hạn hợp đồng sẽ được hỗ trợ bằng 17,5% giá trị quán; 6 hộ kinh doanh còn hạn hợp đồng sẽ được hỗ trợ bằng 20% giá trị quán. Tổng số tiền hỗ trợ 3,6 tỷ đồng. Trước phương án này, 24 hộ dân đều không đồng ý.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đức Phới (Chủ tịch UBND xã) cho biết, việc xã cho thuê đất nêu trên là trái thẩm quyền. Thời điểm đó, theo thoả thuận, 1m2 mặt bằng thì xã thu 1 nghìn đồng/năm. Ước tính mỗi năm xã thu được khoảng 50 triệu; dùng để chi vệ sinh, an ninh trật tự; hoàn toàn không đưa vào ngân sách.
Năm 2019, huyện đã có kết luận thanh tra, kết luận xã cho thuê đất bãi tắm là sai; và Chủ tịch UBND xã thời điểm đó bị cách chức. “Sau khi phát hiện xã sai, thay vì buộc dừng việc buôn bán thì một đơn vị trực thuộc huyện lại được tiếp quản rồi thu tiền cao hơn trước đó”, ông Phới cho hay.
“Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho thiệt hại của bà con xuống mức thấp nhất”
Tại buổi tiếp xúc với các hộ dân nêu trên tổ chức mới đây, ông Võ Đắc Hóa (Chủ tịch UBND huyện) cho biết, vào năm 2019, sau khi có kết luận của thanh tra, huyện đã cách chức Chủ tịch xã, cảnh cáo cán bộ địa chính. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra. “Chúng tôi luôn tìm cách để hỗ trợ cho người dân tốt nhất nhưng vướng về mặt chính sách”, ông Hóa nói.
Những nhà hàng được đầu tư, xây dựng trên đất được xã cho thuê trái thẩm quyền. |
Còn ông Hoàng Nam (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) cho biết, dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và tạo sinh kế cho người dân. Dự án sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thời hạn đóng khoản vay đến 30/6/2024. Nhưng việc triển khai dự án còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Đến nay việc giải phóng mặt bằng còn vướng, có nguy cơ hiện hữu là dự án không tiếp tục được, nên mong có sự đồng thuận của dân.
Ông Nam nói: “Tôi chia sẻ với bà con. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho thiệt hại của bà con xuống mức thấp nhất. UBND tỉnh luôn chỉ đạo vận dụng các quy định pháp luật theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân; sẽ áp dụng trong điều kiện pháp luật cho phép và sẽ sử dụng thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh xem xét hỗ trợ để giảm thiệt hại cho bà con”.
Ông Nam cho hay mức hỗ trợ sẽ sớm được công khai và sẽ áp dụng khoản 8 Điều 18 Quyết định 26 (quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị). Ngoài các khoản hỗ trợ đã được quy định, trong những trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng với người có đất thu hồi. Trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp, trình phương án lên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét.
“Sau này, khi đấu thầu lựa chọn các hộ kinh doanh, ban ngành cũng phải nghiên cứu để 24 hộ này được ưu tiên phù hợp với quy định pháp luật”, ông Nam cho hay.
Năm 2019, huyện phát hiện và kết luận UBND xã Trung Giang cho thuê đất sai thẩm quyền. Thế nhưng, năm 2020, huyện lại giao Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và Khuyến công huyện Gio Linh (nay sáp nhập thành BQL dự án, Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện - PV) quản lý và thu tiền của 24 hộ dân.
Ngày 13/3/2024, trong buổi đối thoại với 24 hộ dân, ông Bùi Thúy (Phó GĐ BQL) cho biết, tổng thu từ 2020 đến nay của bãi tắm Trung Giang là 504 triệu. Tổng chi gồm công tác bảo vệ, hỗ trợ cho cứu hộ cứu nạn, máy phát thanh, cờ phao… lớn hơn tổng chi. Từ khi tiếp nhận quản lý lại bãi tắm tới nay thì BQL bị “âm” 196 triệu đồng.