Khi giang hồ, “thánh chửi” thành người nổi tiếng
Mới đây, hiện tượng mạng Khá “bảnh” đã có một hành động điên rồ là cùng một nhóm thanh niên dàn hàng trên đường cao tốc và chụp hình. Hành vi này đã gây cản trở lưu thông xe cộ trên cao tốc. Bức ảnh này được đăng trên facebook Khá “bảnh”, nhận trên 1000 bình luận, gần 600 lượt chia sẻ.
Đáng nói là, bên cạnh những bình luận bất bình vì hành vi vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho tính mạng nói trên, thì có không ít bạn trẻ vào tung hô Khá “bảnh”, cho rằng như thế mới xứng danh là Khá “bảnh”, dám nói dám làm…
Khá “bảnh” là một hiện tượng mạng “hot” hiện nay. Thanh niên sinh năm 1993 này nổi đình nổi đám chỉ sau một thời gian ngắn trên mạng xã hội không phải bởi vẻ ngoài đẹp trai hay thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nào, mà do những video táo bạo, khoe hình xăm đầy người.
Đặc biệt, “thành tích” đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, hành hung và đánh người được Khá “bảnh” công khai trên trang cá nhân cùng những clip, video, những livestream chia sẻ hay những phát ngôn gây sốc.
Khá “bảnh” không phải là người duy nhất nổi tiếng nhờ những hành vi đi trái với các quy tắc xã hội. Linda, một hiện tượng mạng nổi đình nổi đám nhiều năm nay được biết đến nhờ… chửi. Linda vốn là chàng trai đã chuyển giới thành nữ, sở hữu gương mặt đanh đá và giọng chửi “như hát hay”.
Rất nhiều video clip hay đoạn live stream của Linda chửi được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, trong đó cô chửi tất cả những người mình không thích, thậm chí những sự việc, hiện tượng đang diễn ra trong xã hội gần như đều được Linda cập nhật và có bài “chửi” hợp thời.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như ngôn ngữ mà Linda dùng để chửi không phải là những ngôn ngữ thô lỗ, tục tằn, không ít tiếng chửi thề khiến người nghe phải đỏ mặt về mức độ táo bạo của nó. Trong một số clip cho thấy, Linda chửi người trên phố do va chạm cá nhân, và “nạn nhân” vuốt mặt không kịp vì tiếng chửi bới kinh khủng của cô gái này.
Ai là người bất lợi?
Điều đáng ngạc nhiên là Khá “bảnh”, Linda có lượng fan cực kì đông, đều là hiện tượng nổi tiếng nhất nhì trên mạng xã hội. Trang fanpage của Khá Bảnh có khoảng 200 nghìn lượt theo dõi và kênh youtube có gần nửa triệu người đăng ký. Về phần Linda, không ít lời có cánh, cổ vũ từ fan hâm mộ dưới mỗi clip chửi thề của cô. Linda còn là nhân vật được chế ảnh hàng đầu mạng xã hội.
Có thể thấy, tính chất “giang hồ” của Khá “bảnh” hay “võ mồm” của Linda được đẩy đến mức độ cao, cùng với một chút hài hước đã khiến họ trở thành những nhân vật mua vui cho cộng đồng mạng và trở nên nổi tiếng.
Trước đó, công thức “ngược ngạo” này cũng đã được áp dụng thành công ở một số hiện tượng mạng khác như Tùng Sơn, với vẻ xấu xí dưới mức bình thường và các hành động làm phóng đại sự xấu xí ấy lên, như Lệ Rơi đem giọng hát dở của mình ra cho thiên hạ chọc cười…
Tính tò mò, luôn tìm kiếm những trò giải trí mới của cộng đồng mạng đã giúp nảy sinh ra một kiểu “hiện tượng mạng” như thế: Không xinh đẹp, không tài năng, chỉ dùng khuyết điểm, điểm yếu để phóng đại, làm trò kệch cỡm để nổi tiếng. Nhưng nếu đánh giá đó chỉ là những hiện tượng cho vui, sớm nở tối tàn có lẽ là chưa đủ.
Sự nổi lên, có lẽ là tình cờ phút chốc. Nhưng rồi, ngay sau sự nổi tiếng tình cờ ấy bắt đầu có bàn tay dàn dựng của những người kinh doanh chuyên tận dụng những “hiện tượng” này. Và thế là, các hiện tượng mạng bắt đầu có các kịch bản mới để “phục vụ” đám đông tò mò, ưa đổi mới. Đằng sau sự nổi tiếng cũng là thu nhập tăng cao cho các hiện tượng mạng cũng như lợi nhuận đổ về tay những người dàn dựng chiêu trò.
Như thế, trong cuộc vui ấy, ai là người bất lợi? Có lẽ, có chính là công chúng, là một bộ phận giới trẻ bị lệch lạc suy nghĩ, mất đi phương hướng. Những người ca tụng Khá “bảnh” vi phạm luật giao thông là hành động anh hùng, tung hô những clip chửi bới của Linda là hay ho, thú vị, cảm thấy sự nổi tiếng của Tùng Sơn hay Lệ Rơi là một sự thành công. Đó là những người trẻ tiếp theo, như những con thiêu thân tìm đến sự nổi tiếng và tiền bạc bằng những con đường tắt, bá đạo, ngược ngạo như thế…