Công tác tư pháp được triển khai toàn diện, với tinh thần đổi mới, đạt nhiều kết quả tích cực

Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp
Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp
(PLVN) -Báo cáo tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp sáng 7/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, có nhiều đổi mới và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành Tư pháp để có đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Tham dự buổi làm việc có: đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương.

Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh, Trần Tiến Dũng. Cùng dự có đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Trình bày báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác tư pháp được triển khai toàn diện, với tinh thần đổi mới, tất cả vì sự phát triển chung của đất nước và đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, có nhiều đổi mới và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành Tư pháp để có đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 21/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đưa đất nước có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay.

Bên cạnh những kết quả công tác tích cực là chủ yếu, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp nhận thấy công tác tư pháp cũng bộc lộ hạn chế, vướng mắc.

Trong nhiệm kỳ 2021-2026, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng luôn bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; quy định pháp luật liên quan và các chỉ đạo, kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Bộ, ngành Tư pháp.

Từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng đã ban hành Chương trình công tác toàn khóa; hằng năm đều ban hành Chương trình công tác cụ thể; tổ chức các phiên họp, hội nghị, qua đó ban hành 118 nghị quyết, kết luận để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Bộ, Ngành. Riêng năm 2024, ngoài Chương trình công tác của tập thể Ban cán sự đảng, từng Thành viên Ban cán sự đảng đều ban hành Kế hoạch cá nhân để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được giao. Các Chương trình, Kế hoạch công tác đều được rà soát, đánh giá, báo cáo Ban cán sự đảng hằng quý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, luôn được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực thực hiện.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban cán sự đảng ban hành 31 Nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng pháp luật, tổ chức 05 buổi làm việc với các đơn vị xây dựng pháp luật để có các định hướng các vấn đề lớn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật.

Ban cán sự đảng đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc xây dựng và triển khai thực hiện nhiều văn bản của Đảng từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có các văn bản liên quan trực tiếp tới công tác xây dựng pháp luật.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp không phải là cơ quan chủ trì xây dựng nhiều luật, nghị định, nhưng cơ bản đều tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản này với tư cách thành viên ban soạn thảo, góp ý hoặc thẩm định. Ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp trong xây dựng pháp luật luôn thể hiện trách nhiệm và được đánh giá cao. Từ đầu nhiệm kỳ tới ngày hôm nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 43 luật, 19 nghị quyết quy phạm, trình Chính phủ ban hành 552 nghị định, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được tăng cường, đi cùng với nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đẩy mạnh theo dõi thi hành pháp luật, góp phần làm cho pháp luật đến gần với người dân, doanh nghiệp và đi vào cuộc sống.

Về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, Ban cán sự đảng nhận thức rõ đây là các lĩnh vực công tác gắn chặt với từng người dân, doanh nghiệp để thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tăng cường hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng đã có nhiều Nghị quyết, kết luận đối với công tác THADS để đạt nhiều kết quả tích cực. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả THADS liên tục tăng qua các năm cả về số lượng việc và tiền; năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Hệ thống đăng ký trực tuyến các biện pháp bảo đảm đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình từ nhiều năm và đạt tỷ lệ đăng ký trực tuyến chiếm đến 87% và năm 2024 đã được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin truyền thông.

Công tác bổ trợ tư pháp với nhiều nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại… ngày càng phát triển mạnh mẽ, phù hợp với chủ trương từng bước xã hội hóa các dịch vụ pháp lý, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Công tác trợ giúp pháp lý ngày càng thể hiện được vị trí, vai trò trong thực hiện các chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta đối với người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội và các đối tượng chính sách khác.

Công tác pháp luật quốc tế và các vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài ngày càng phát triển với nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh, nhất là các tranh chấp quốc tế liên quan tới lợi ích của Việt Nam với giá trị yêu cầu Việt Nam bồi thường là rất lớn trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhưng lại không có nhiều chuyên gia giỏi trong công tác này ở cả Trung ương và địa phương.

Bộ Tư pháp dần trở thành chỗ dựa tin cậy của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương mỗi khi có tranh chấp quốc tế phát sinh. Trong 4 năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp tham gia giải quyết 15 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế. Cho tới hiện tại, kết quả giải quyết các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế là khá tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và bước đầu tạo sự tự tin và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong xử lý các tranh chấp đầu tư quốc tế.

Từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp đã thẩm định 125 điều ước quốc tế; góp ý 807 điều ước, thoả thuận quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước; phối hợp cho các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện 8.269 hồ sơ về ủy thác tư pháp, qua đó, hỗ trợ cho các Tòa án và cơ quan tư pháp Việt Nam và nước ngoài giải quyết đúng các vụ án, vụ việc liên quan.

Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế với nước ngoài về pháp luật và tư pháp đúng với chủ trương, định hướng, quan điểm của Đảng; ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án của Ban cán sự đảng phòng ngừa, không để nước ngoài can thiệp vào công tác xây dựng pháp luật thông qua hợp tác quốc tế.

Công tác xây dựng Ngành và đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần các Nghị quyết Trung ương, chỉ đạo, kết luận của Chính phủ về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, Ngành tiếp tục được nâng cao. Công tác đào tạo luật và các chức danh tư pháp được quan tâm thường xuyên, trong đó ưu tiên nâng cao về chất lượng đào tạo.

Về phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của bộ, ngành tư pháp đến hết nhiệm kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp sẽ nỗ lực, cố gắng để tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều đổi mới trong xây dựng và thi hành thể chế theo nghĩa rộng bao gồm cả các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bảo đảm thể chế là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ban cán sự đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành Tư pháp nghiên cứu kỹ, tham mưu Chính phủ, Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị để có định hướng đổi mới căn bản quy trình xây dựng pháp luật để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, thể chế hóa được cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, là mục tiêu, chủ thể và là động lực phát triển – một quan điểm xuyên suốt của Đảng được khẳng định trong Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, trong xây dựng tất cả các văn bản quy phạm pháp luật. Sẽ phối hợp Bộ, ngành nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác này.

Ban cán sự đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để tạo bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp với tư duy mới, thay đổi thói quen không còn phù hợp với kỷ nguyên mới; thống nhất quan điểm lấy chất lượng cán bộ thay vì số lượng nhiều mà không đáp ứng được yêu cầu. Ban cán sự đảng dự kiến sẽ thành lập một Tổ công tác để rà soát, đánh giá lại toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Bộ và từng đơn vị cùng với thực trạng cán bộ để có tham mưu các giải pháp cụ thể, thực hiện đúng tư tưởng, định hướng của Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết có tiêu đề Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả của hệ thống chính trị ngày 05/11/2024 vừa qua. Đây là công việc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có sự lãnh đạo tập trung của Ban cán sự đảng và sửa đổi các quy định liên quan vì công tác cán bộ được điều chỉnh bởi các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải vượt qua các rào cản về nhận thức và sự quyết tâm.