Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp
Hôm qua (4/10), ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM chủ trì Hội nghị trực tuyến về thực trạng tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn TP trong thời gian qua, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nhân nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là phải luôn luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có phòng chống ma túy.
Theo ông Nhân, TP HCM là trung tâm lớn nhất của cả nước và có thể cũng là địa phương có nhiều người nghiện nhất cả nước. Tội phạm ma túy đã tồn tại từ rất lâu, sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài sắp tới. TP HCM không chấp nhận trạng thái này, vì tội phạm này đe dọa đến an ninh, an toàn trật tự xã hội và ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của người dân.
Về tội phạm ma túy chung của cả nước, ông Nhân đánh giá tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, là nguy cơ an ninh mang tính xuyên quốc gia. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước rất lớn nhưng chưa được ngăn chặn từ biên giới. Nước ta đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước; làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
“Hậu quả, tác hại từ ma túy rất khủng khiếp”, ông Nhân bày tỏ và cho rằng, một người nghiện ma túy có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, khiến cả gia đình tan nát, cả làng xóm, địa phương bị ảnh hưởng. Do đó cần tính toán các giải pháp truyền thông, tuyên truyền hiệu quả, đặc biệt là tuyên truyền về tác hại đến lực lượng thanh thiếu niên.
Ông Nhân cũng nêu ra nhiều hạn chế trong việc phòng, chống ma túy mà Bộ Chính trị chỉ ra trong Chỉ thị 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Việc hỗ trợ cai nghiện trong và sau cai nghiện đạt hiệu quả thấp. Từ đây đặt ra vấn đề cần phải làm thế nào để có điều kiện giúp người nghiện sớm từ bỏ ma túy và không ảnh hưởng, lôi kéo thêm người khác.
Về mục tiêu thời gian tới, ông Nhân cũng đặt vấn đề kiểm soát tình trạng sử dụng ma túy ở các quán bar, nhà hàng. Nếu có tình trạng "bảo kê" các địa điểm tổ chức sử dụng ma túy thì cần phải nghe phản ánh từ người dân. "Giả sử có bảo kê thì người dân ở đó có biết không? Biết chứ. Chúng ta phải nghe dân vì dân muốn cuộc sống bình yên... Bảo kê không mua chuộc được hết cả phường", ông Nhân nói.
Trước tiên phải đấu tranh, triệt phá đường dây
Công an TP HCM thông tin về tình hình tội phạm ma túy tại địa phương hôm 3/10 |
Thông tin tại Hội nghị, Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết, trong 5 năm gần đây, ma túy tổng thu giữ tăng bình quân hàng năm là gần 106%. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, thu giữ hơn 1.165 kg. Các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy có tổ chức thành mạng lưới chặt chẽ, cùng buôn nhiều loại ma túy chứ không chỉ chuyên heroin hoặc ma túy tổng hợp như trước.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP HCM, số người nghiện ma túy tại TP HCM luôn ở mức cao. TP HCM hiện có hơn 24 ngàn người nghiện ma túy, trong đó có hơn 10 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại cộng đồng vừa thiếu và yếu. Hiện nay các bộ, ngành chưa ban hành quy định phù hợp về cai nghiện tại gia đình. Hậu quả, công tác cai nghiện chưa mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ tái nghiện đến 80%.
Đặc biệt, ông Nhàn nêu thực trạng về tỷ lệ ma tuý thu giữ tại TP HCM trong 5 năm gần đây, tăng bình quân 88,5%/năm; riêng 9 tháng đầu năm 2019 tăng đến 1.102,5% so với cả năm 2018. Những con số trên cho thấy tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp ở mức báo động.
Theo Công an TP HCM, phần lớn ma túy được bắt giữ trong thời gian gần đây đều được sản xuất ở nước ngoài. Điều này nói lên rằng công tác quản lý, trấn áp tội phạm ma túy từ khu vực biên giới chưa mang lại hiệu quả cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tội phạm ma túy diễn biến phức tạp.
Mặt khác, tội phạm ma túy thường trang bị vũ khí quân dụng, để thanh toán lẫn nhau và sẵn sàng chống trả khi bị cơ quan chức năng phát hiện, truy đuổi. Tính từ năm 2010 đến 6 tháng năm 2019, lực lượng chức năng thu giữ gần 180 khẩu súng, gần 1.300 viên đạn các loại và 2 quả lựu đạn.
Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả tội phạm ma túy thì phải đấu tranh, triệt phá đường dây, bắt được các đối tượng, nhất là đối tượng cầm đầu.
Về thực trạng sử dụng ma túy, theo Công an TP HCM, số người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke, nhà nghỉ có trang bị đèn xoay và Ampli, loa… Trong khi đó, việc xử lý vi phạm của các cơ sở này không căn cơ, ít hiệu quả, thiếu tính răn đe. Khi bị rút giấy phép thì dễ dàng đăng ký lại với tên chủ kinh doanh khác, vì chưa có quy định tại địa điểm xảy ra vi phạm (lĩnh vực kinh doanh có điều kiện) thì không được cấp phép hoạt động.
Phân tích thêm nguyên nhân tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội Kiểm soát phòng chống ma túy, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng, xuất phát nhiều nguyên nhân khách quan.
Phần lớn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam rồi được chuyển đi nước ngoài: Đài Loan, Philippines, Hồng Kông… Các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi: Lợi dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phân nhỏ ma túy thành nhiều kiện. Trong khi đó, việc đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ việc kiểm soát tội phạm ma túy còn hạn chế.
“Máy soi chiếu nhận biết ma túy là phương tiện hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết cảng biển, cảng hàng không đều thiếu, có nơi không có”, ông Nam phân tích.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu