Phòng, chống tham nhũng trên diện rộng
Công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố trong những tháng đầu năm 2010 tiếp tục được triển khai trên diện rộng, trong đó lấy phòng ngừa là chính. Thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống tham nhũng, ban hành các văn bản phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, viên chức và tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập, quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, kế hoạch cải cách hành chính năm 2010. Các hoạt động tài chính ngân sách, tài chính doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm các trang thiết bị, quản lý sử dụng đất đai, tổ chức cán bộ, giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức đơn vị, cá nhân, kết quả thanh tra, kiểm tra, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước được công khai minh bạch. Như niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, công bố tại các cuộc họp, đấu thầu, đấu giá công khai rộng rãi… gắn với cải cách thủ tục hành chính và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, để nhân dân giám sát, kiểm tra cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ được giao. Các cấp, sở, ngành thành phố, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức, cam kết thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, phiền hà sách nhiễu, tiêu cực. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đến nay thành phố hoàn thành giai đoạn 2 rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian, với tỷ lệ đơn giản hóa 73% thủ tục hành chính.
Toàn thành phố rà soát 191 văn bản về chế độ, định mức, ban hành và sửa đổi, bổ sung 113 văn bản, hủy bỏ 14 văn bản, tiến hành 139 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định, phát hiện 7 vụ việc vi phạm với số tiền 100 triệu đồng. Công tác thẩm định giá tài sản, giá trị quyết toán công trình, quản lý chi tiết kiệm hơn 48 tỷ đồng. |
Bệnh viện phụ sản nơi để xảy ra vi phạm về quản lý tài chính |
Thiếu chiều sâu, giảm hiệu lực phòng ngừa tham nhũng
Trong những tháng đầu năm 2010, các cơ quan tư pháp thành phố tiếp tục xử lý 3 vụ án tham nhũng chuyển từ năm 2009 sang, không phát hiện vụ nào. Như nhận định của Phó trưởng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng thành phố Tô Quang Vĩnh qua đợt kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương vừa qua thì công tác xử lý vi phạm có mức độ, mới tập trung yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục hậu quả về kinh tế, chưa có vụ việc vi phạm nào chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm phát sinh 216 vụ việc khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tăng hơn 25% so với cùng thời gian năm trước. Các cơ quan chức năng giải quyết 180 vụ việc, đạt hơn 83% số việc thụ lý, chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai, tổ chức cán bộ. Cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi gần 5 nghìn m2 đất và gần 37 triệu đồng, chuyển 1 hồ sơ vụ việc liên quan thi tuyển giáo viên sang cơ quan điều tra, xử lý kỷ luật 29 cán bộ, công chức vi phạm. |
Trong các vụ việc tham nhũng bị phát hiện, đã xử lý quá ít so với tình hình chung và độ vi phạm. Như vụ nhân viên kế toán Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng Lê Thị Thu Hương cố ý làm sai lệch hóa đơn thu phí, lệ phí chiếm đoạt hơn 443 triệu đồng. Nhân viên Hương nộp lại tiền, chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc, còn kế toán trưởng bệnh viện bị khiển trách do thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong đơn vị. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo) Phạm Văn Quản chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ giả, rút gần 26 triệu đồng về quỹ HTX nông nghiệp để chi sai mục đích, bị xử lý kỷ luật về Đảng. Phạm Huy Hạnh, nguyên cán bộ giao thông thủy lợi xã Nam Hưng (huyện Tiên Lãng) chỉ bị xử án treo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Như vậy, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố được triển khai rộng khắp nhưng vẫn thiếu chiều sâu cần thiết. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đủ sức răn đe, giáo dục, việc đề ra các giải pháp phòng ngừa sau mỗi vụ án, vụ việc thanh tra cần được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi hơn. Cùng với đó xác định trách nhiệm các cán bộ, cơ quan có thẩm quyền có tình trạng nể nang, né tránh trong xử lý, giải quyết các vụ việc tham nhũng.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. (Khoản 1 Điều 278 Bộ Luật hình sự quy định về tội tham ô tài sản) |