Toàn Ngành đã kịp thời phổ biến các văn bản, quy định trên tất cả các lĩnh vực của đời sống KTXH của đất nước, phù hợp với tình hình thực tế tại bộ, ngành, địa phương. Điểm nhấn là đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về bầu cử, góp phần vào thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức đa dạng, linh hoạt, nhất là tổ chức thành công Chương trình “Gương sáng Pháp luật” để biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật có bước kiện toàn quan trọng theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phân công đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.
Song song với các hình thức PBGDPL truyền thống, các mô hình mới, hiệu quả, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được chú trọng, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: tổ chức tọa đàm, xây dựng các chuyên mục/chương trình truyền hình - phát thanh, nhất là phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức hội nghị, gặp gỡ đối thoại với tổ chức, cá nhân (Đồng Tháp); tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù; tổ chức tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến; tổ chức các cuộc thi viết, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến.
Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 hướng dẫn Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, tạo cơ sở để thúc đẩy xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở. Sở Tư pháp các địa phương đã chủ động tham mưu đưa nội dung, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong các văn bản, kế hoạch công tác PBGDP năm 2021 và kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục góp phần quan trọng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giúp ổn định an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội ngay từ cơ sở, xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Trong năm, các Hòa giải viên đã tiếp nhận 94.463 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 80.23%; một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao (như: Long An - 94%; An Giang - 94%; Vĩnh Long - 94%; Đà Nẵng - 92%; Hậu Giang - 92%; Kon Tum - 92%; Bến Tre - 92,6%...).
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận, công tác PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực có lúc chưa kịp thời, hình thức, hiệu quả chưa cao; việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” ở một số bộ, ngành, địa phương còn, chưa bảo đảm tiến độ đề ra. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ hòa giải thành trong cả nước giảm so với năm 2020 (giảm 0,5%).
Năm 2022, toàn ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản về PBGDPL; Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL và tổng kết 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số Chương trình, Đề án về PBGDPL; Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL, trọng tâm là vận hành và quản lý, khai thác hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia. Tăng cường, phát huy vai trò của cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền PBGDPL.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; rà soát, củng cố, xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, chú trọng thu hút lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cán bộ công chức đã công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với cơ quan dân vận các cấp trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở gắn với phong trào thi đua “dân vận khéo” nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25/2021/ QĐ-TTg. Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025.