Tỉnh xác định đây là công tác thường xuyên, liên tục và cần có sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị tại địa phương. Các ngành, các cấp đều xác định đây là công việc hàng đầu, quan trọng trong điều hành, quản lý và phát triển kinh tế, xã hội; mục đích hướng đến là pháp luật phải đến gần dân để dân biết, dân hiểu và tuân thủ.
Nhờ sự chung sức nên công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các đơn vị đều diễn ra thuận lợi, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự lan tỏa rộng, đi vào chiều sâu. Điển hình là cuộc thi “Sinh viên với kiến thức pháp luật” do Sở Tư pháp phối hợp Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức thu hút gần 11.000 sinh viên tham gia. Việc tuyên truyền qua hoạt động giao lưu kiến thức pháp luật, tọa đàm tại các Trường THPT, THCS cũng rất hiệu quả, thu hút hàng ngàn học sinh tham dự. Đây là kênh tuyên truyền có tính lan tỏa nhanh và hiệu quả trong học sinh, sinh viên (HSSV).
Bà Huỳnh Thị Phương Thịnh (Trưởng Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp) cho biết, HSSV là một trong những đối tượng cần được ưu tiên đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL. “Các em còn trẻ chưa có nhiều hiểu biết pháp luật, chưa nhiều kinh nghiệm sống nên việc trang bị một nền tảng kiến thức pháp luật là rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy, cần có định hướng và cách thức tuyên truyền phù hợp để pháp luật đến gần với HSSV. Làm sao để học sinh ý thức được pháp luật gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận chứ không phải khô khan, hàn lâm, cao siêu khó hiểu”, bà Thịnh nhấn mạnh.
Việc tuyên truyền PBGDPL cho HSSV cũng được tỉnh áp dụng cách làm hiện đại, ứng dụng công nghệ phù hợp với giới trẻ, như tận dụng tiện ích của mạng xã hội Zalo và Facebook, truyền tải, phổ biến văn bản, chính sách pháp luật mới về an ninh trật tự, hôn nhân và gia đình, an ninh mạng, phòng, chống bạo lực học đường… Từ đó, phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện đúng pháp luật lan tỏa trong nhà trường, các tổ chức Đoàn - Hội.
Với đối tượng là thanh, thiếu nhi, kiến thức pháp luật được truyền tải sẽ linh hoạt và đơn giản hóa qua những mẩu chuyện nhỏ, những câu chuyện sống đẹp. Bên cạnh tuyên truyền pháp luật còn hướng đến rèn luyện kỹ năng sống, hình thành nhân cách từ nhỏ cho các em.
Trên địa bàn Đồng Tháp nhiều đơn vị tổ chức đã sáng tạo các mô hình mới lạ, cách làm hay. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Tiếng loa Biên phòng”. Trên địa bàn còn có nhiều mô hình tuyên truyền hiệu quả trong cộng đồng như mô hình “Cha mẹ trò chuyện với con”, “Tổ phụ nữ pháp luật”, “Tổ dư luận xã hội”...
Các chương trình tư vấn pháp luật, trên Đài Phát thanh & Truyền hình, hệ thống loa phát thanh cấp xã và trạm truyền thanh của lực lượng vũ trang đã truyền tải nhiều thông tin pháp luật quan trọng gần gũi với người dân. Cơ quan chức năng còn tuyên truyền qua công tác giải đáp thắc mắc trên website một số đơn vị như Cục Hải quan.
Bà Lê Thị Hồng Phượng (Giám đốc Sở Tư pháp) cho biết, công tác PBGDPL trên địa bàn luôn luôn đổi mới. “Mở rộng đối tượng tuyên truyền, đơn giản hóa quy định pháp luật và sáng tạo cách truyền tải lôi cuốn hấp dẫn dễ hiểu, dễ tiếp thu để pháp luật phải gần dân. Đó là việc những người làm công tác PBGDPL phải làm”, bà Phượng nhấn mạnh. Thời gian tới, Sở tiếp tục có giải pháp nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong tình hình mới; tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PBGDPL.
Theo bà Phượng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các kênh truyền thông để PBGDPL đạt hiệu quả. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; là những nhân tố mang tính quyết định đến chất lượng hiệu quả của công tác PBGDPL. Tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách có liên quan trực tiếp đến người dân, DN, chú trọng những nội dung trọng tâm là truyền thông về sự cần thiết ban hành chính sách.