Trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI có nêu: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” và có đề cập đến vấn đề phản biện xã hội của Mặt trận. Phản biện xã hội là việc làm rất quan trọng và còn nhiều nội dung mới. Để dân chủ thực chất đi vào cuộc sống thì cần phải làm tốt hơn nữa công tác phản biện xã hội.
Mục đích phản biện xã hội là tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tập thể, phát huy trách nhiệm công dân, tham gia góp ý đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước có được đông đảo nhân dân tham gia thảo luận, tranh luận kỹ càng thì mới hoàn thiện, mới đạt được sự tối ưu trước khi ban hành và tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Phản biện xã hội là điều bình thường trong hoạt động xã hội, nhưng phải tiến hành phản biện một cách có trách nhiệm và có tổ chức. Chống các hiện tượng coi nhẹ phản biện xã hội, hoặc lợi dụng phản biện xã hội để cản trở việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước. Càng tổ chức tốt phản biện xã hội thì càng tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Do vậy, cần phải thấu triệt quan điểm coi công tác phản biện xã hội là việc làm cần thiết, quan trọng và phải được tiếp tục thực hiện trong thời gian đến. Để làm được việc này, theo tôi, trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI cần đề cập đầy đủ, cụ thể hơn nữa về công tác phản biện xã hội.
Trong đó, cần có cơ chế quy định rõ trách nhiệm, nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện phản biện xã hội ở các cấp, các ngành, nhất là ở xã, phường và các tổ chức dưới cơ sở. Cần phải xác định rằng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đảm nhiệm việc tổ chức thực hiện công tác phản biện xã hội, nhưng các cấp chính quyền cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cũng phải phối hợp, cộng đồng trách nhiệm và vận động toàn dân cùng tham gia thì công tác phản biện xã hội mới đạt hiệu quả mong muốn.
LÊ VĂN THƠM (ghi)