Công tác lập pháp trong bảo tồn di sản văn hóa trên thế giới

 Ý là quốc gia có số lượng di sản văn hóa thế giới nhiều nhất.
Ý là quốc gia có số lượng di sản văn hóa thế giới nhiều nhất.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự phát triển các nguyên tắc bảo tồn là một trong những thành tựu quan trọng nhất của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa quốc tế. Cụ thể, từ khi thông qua Hiến chương Venice 1964, đã có nhiều hướng dẫn bảo tồn dưới hình thức các hiến chương, khuyến nghị và nghị quyết đã được các tổ chức quốc tế như UNESCO, ICOMOS,… đưa ra và thông qua, trở thành một trong những nguồn luật cho các quốc gia thành viên xây dựng pháp luật trong nước về bảo tồn di sản.

Thống nhất các nguyên tắc bảo tồn di sản

Trước đây, một trong những khó khăn của công tác bảo tồn di sản văn hoá quốc tế là cách nhìn nhận, định nghĩa khác nhau về khái niệm thuật ngữ “di sản” giữa các tổ chức quốc tế, quốc gia và khu vực. Bởi vậy, khi các quan điểm khác nhau về “di sản” được thống nhất, hoà hợp trong một hệ thống pháp luật quốc tế chung góp phần tạo ra một cách hiểu chung, hành động đồng bộ giữa tất cả các bên liên quan. Mục đích chính là bảo vệ tài sản văn hoá, bao gồm các di tích lịch sử, của các tòa nhà, các địa điểm khảo cổ và các thành phố trên toàn cầu, chống lại các mối đe dọa khác nhau.

Nói chung, phạm vi của thuật ngữ di sản hiện nay đã được thống nhất trên quy mô quốc tế để bao gồm cả di sản hữu hình (vật thể) và vô hình (phi vật thể). Pháp luật quốc tế đưa ra các nguyên tắc hoặc hướng dẫn dưới hình thức các hiến chương, khuyến nghị, nghị quyết, tuyên bố hoặc phát biểu được soạn thảo và chủ yếu thông qua bởi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) và Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS).

Có thể nói, UNESCO và ICOMOS là hai tổ chức quốc tế đi đầu trong việc xác định thuật ngữ chung và phạm vi di sản từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Phục dựng các di tích và di chỉ (Hiến chương Venice 1964), đã đặt ra một tiêu chuẩn đáng kể cho các nguyên tắc quản lý bảo tồn và phục dựng kiến trúc. Theo đó, phạm vi của di sản đã mở rộng từ sự quan tâm về di sản vật thể như các di tích, kiến trúc lịch sử cho đến các di tích kiến trúc đô thị và khu vực nông thôn, các công viên lịch sử và cho đến di sản phi vật thể bao gồm môi trường, các tác nhân xã hội và sau đó là các giá trị vô hình.

Cụ thể, thuật ngữ “di tích lịch sử” trong Điều 1 của Hiến chương Venice 1964, “không chỉ là công trình kiến trúc đơn lẻ mà cả môi trường đô thị và nông thôn”. Có thể nhận ra rằng các dự án bảo tồn và khôi phục trước đây chỉ tập trung vào việc bảo vệ các di tích và không phải xung quanh di tích. Đáng nói, bất kỳ sự thay đổi hoặc sự thiệt hại nào xung quanh di tích cũng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ các di tích. Điều mà Hiến chương vẫn chưa giải quyết được là chưa nêu rõ những cấu thành nên một di tích lịch sử, đồng thời cũng không xác định được các đặc tính của các môi trường đô thị và nông thôn và định nghĩa về các địa điểm/di chỉ.

Dù vậy, Hiến chương Venice 1964 vẫn là nguồn tham chiếu quan trọng cho việc phát triển một số văn kiện bảo tồn khác trên thế giới. Đến nay, đã có ít nhất 40 văn kiện như vậy tồn tại ở cấp quốc gia và quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống nguyên tắc pháp luật về bảo tồn di sản văn hoá. Có thể kể tới những văn bản được ban hành để tham khảo quốc tế như: Khuyến nghị về Bảo tồn Tài sản văn hoá bị đe doạ bởi các công trình công cộng hoặc tư nhân (UNESCO, 1968); Nghị quyết của hội nghị chuyên đề về việc giới thiệu kiến trúc đương đại vào các nhóm tòa nhà cổ (ICOMOS, 1972); Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới (UNESCO, 1972); Hiến chương về bảo tồn các khu di tích lịch sử và đô thị (ICOMOS, 1987); Tư liệu Nara về Tính xác thực (Nhật Bản và UNESCO, 1994); Hiến chương về xây dựng di sản ở địa phương (ICOMOS, 2000); Công ước về Bảo vệ di sản văn hoá dưới nước (UNESCO, 2001);…

Đến năm 1972, Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên Nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới 1972) đã hợp nhất các thuật ngữ khác nhau và phạm vi di sản kiến trúc. Công ước UNESCO coi di sản là di sản văn hoá và di sản thiên nhiên và những định nghĩa trước đây của UNESCO về di sản văn hoá di động và bất động sản đã bị loại bỏ.

Cụ thể, định nghĩa di sản văn hoá bao gồm: Di tích (Monuments), Nhóm các công trình kiến trúc (Groups of buildings) và Di chỉ/địa điểm khảo cổ (sites). Trong đó, di tích là “các công trình kiến trúc, các tác phẩm hội họa và điêu khắc kiến trúc, các yếu tố hoặc cấu trúc có tính chất khảo cổ học, minh văn, các di chỉ cư trú trong hang động và sự kết hợp giữa các di tích tiêu biểu có giá trị phổ quát nổi bật từ quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học”. Nhóm các công trình kiến trúc là “các nhóm kiến trúc tách biệt hoặc nối liền bởi kiến trúc, tính đồng nhất hoặc vị trí của chúng trong bối cảnh là giá trị phổ quát nổi bật từ quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học”. Di chỉ/địa điểm khảo cổ là “các tác phẩm của con người hoặc các tác phẩm kết hợp của tự nhiên và con người và các khu vực bao gồm các địa điểm khảo cổ có giá trị phổ quát nổi bật từ các quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học”.

Có thể thấy, khi phạm vi di sản được mở rộng trong các văn kiện pháp luật quốc tế và quốc gia, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xác định các di tích nào nằm trong phạm vi bảo vệ, di tích nào không nằm trong phạm vi này để áp dụng những biện pháp phù hợp. Khi nội luật hoá các quy định của pháp luật quốc tế, các quốc gia cần dựa trên những điều kiện văn hoá - kinh tế - xã hội trong nước để ban hành những quy định phù hợp. Đơn cử, vào năm 1975 và 1979, phạm vi di sản đã được mở rộng để bao gồm các công viên lịch sử, thắng cảnh và môi trường ở châu Âu và Australia, nhưng nhiều quốc gia khác đã không áp dụng quan điểm này.

Bài học điển hình từ châu Âu

Trong các khu vực trên thế giới, kể từ năm 1975, Hội đồng Châu Âu đã dẫn đầu thế giới bằng cách xây dựng và áp dụng các điều lệ khu vực liên quan đến tình hình các nước châu Âu. Nỗ lực này được thể hiện qua hai văn kiện tiền đề quan trọng là Hiến chương Châu Âu về Di sản Kiến trúc và Tuyên bố Amsterdam. Cả hai đều đưa ra cách nhìn mở rộng về khái niệm di sản kiến trúc và chiến lược thực hiện, khái niệm về bảo tồn tổng hợp và vai trò của các cơ quan quản lý di sản kiến trúc. Đơn cử, Tuyên bố Amsterdam năm 1975 đã mở rộng phạm vi di sản kiến trúc châu Âu từ các công trình kiến trúc riêng biệt đến các nhóm kiến trúc và môi trường xung quanh, các khu phố cổ và các khu đô thị và làng mạc có lợi ích về lịch sử hoặc văn hoá, môi trường truyền thống và các tòa nhà hiện đại. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính liên tục của các đặc trưng xã hội và vật chất hiện tại, cả ở các cộng đồng đô thị và nông thôn và nhu cầu hội nhập các yếu tố xã hội.

Sự phát triển các nguyên tắc bảo tồn “dẫn đường” cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa quốc tế. (Ảnh: UNESCO)

Sự phát triển các nguyên tắc bảo tồn “dẫn đường” cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa quốc tế. (Ảnh: UNESCO)

Bên cạnh đó, theo Công ước khung của Hội đồng Châu Âu về giá trị của di sản văn hóa đối với xã hội, ký năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2011, thì “Việc xác nhận giá trị của di sản văn hóa thông qua đối thoại giữa các nền văn hóa đòi hỏi phải nghiên cứu và tranh luận liên tục, đặc biệt là tính đến những bất đồng, nảy sinh trong quá trình diễn giải, ví dụ khi một địa điểm cổ xưa là linh thiêng đối với nhiều tôn giáo”. Hội đồng Châu Âu cũng đã thông qua Luật Buôn bán di sản văn hoá, trong đó bao gồm các quy định nhằm ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp hàng hóa văn hóa, bao gồm yêu cầu về giấy phép nhập khẩu đối với các đồ tạo tác hơn 250 năm tuổi.

Các quốc gia châu Âu cũng ban hành những quy định cụ thể và thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn di sản đáng chú ý. Đơn cử, năm 2014, Ý đã ban hành luật Art Bonus (Lợi tức nghệ thuật), nhằm khuyến khích các cá nhân, chủ doanh nghiệp đầu tư vào khôi phục các công trình văn hóa bằng cách đưa ra mức thuế lợi tức tương đương khấu trừ lên tới 65% khoản đóng góp của họ.

Cho đến tháng 7/2021, châu Âu vẫn là khu vực đứng đầu thế giới về số di sản có tầm quan trọng về văn hóa, tự nhiên được UNESCO công nhận, chiếm 43,59% trên khoảng 1.154 địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới ở 167 quốc gia. Trong đó, Ý nổi tiếng là một trong những quốc gia thu hút du khách khi sở hữu nhiều di sản văn hóa thế giới nhất, 55 di sản tại các thành phố Rome, Venice và Florence. Tốp 5 nước có số lượng di sản quốc tế nhiều nhất thế giới bao gồm Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức và Pháp.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.