Thưa Cục trưởng, xin ông chia sẻ một số kết quả đáng chú ý trong công tác kiểm tra VBQPPL năm 2018 vừa qua?
- Năm 2018, công tác kiểm tra VBQPPL trong cả nước tiếp tục được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Riêng tại Cục Kiểm tra VBQPPL, tính đến những tháng cuối năm 2018, đã hoàn thành việc kiểm tra gần 6.000 văn bản do các cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh ban hành; phát hiện 84 văn bản có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền; đến nay đã xử lý được nội dung trái pháp luật của 52 văn bản.
Kết quả kiểm tra văn bản trong cả nước năm 2018 đã phản ánh công tác kiểm tra văn bản ngày càng hiệu quả, thực chất, đặt trọng tâm vào văn bản liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Việc kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật được tiến hành quyết liệt, giúp cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật nhận thức rõ sai sót để xử lý, ngăn ngừa hậu quả, đồng thời cũng góp phần giúp xã hội hiểu đúng tính chất, mức độ của quy định có sai sót.
Bên cạnh những thành quả trên, công tác kiểm tra VBQPPL có bất cập nào không?
- Công tác kiểm tra văn bản vẫn trong cả nước hiện nay vẫn còn những hạn chế. Nổi lên là hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước hoạt động chưa thực sự đồng bộ; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản; việc phát hiện một số văn bản trái pháp luật chưa kịp thời; việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, vướng mắc.
Theo ông, đâu là nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập ấy?
- Những hạn chế nêu trên có các nguyên nhân chính là nhận thức về công tác xây dựng, kiểm tra văn bản ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; thực hiện quy trình ban hành một số văn bản, nhất là đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp còn chưa “thực chất”; một bộ phận công chức làm công tác văn bản còn hạn chế về năng lực; việc kiểm tra văn bản ở nhiều nơi chưa gắn kết chặt chẽ với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra văn bản còn chưa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan xuất phát từ tính chất của kiểm tra văn bản là công việc khó, tác động đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong khi các điều kiện bảo đảm cả về con người và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc, ông đã từng đề cập phải làm sao kiểm tra kịp với tiến độ ban hành văn bản, ông có thể cho biết ý nghĩa của giải pháp này và điều kiện thực hiện?
- Đây là yêu cầu quan trọng nhằm bảo đảm tính “kịp thời” trong kiểm tra văn bản. Lý tưởng là VBQPPL được kiểm tra tính hợp pháp trước ngày có hiệu lực. Như vậy sẽ giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát chất lượng văn bản, kịp thời phát hiện, xử lý, góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực do thi hành văn bản trái pháp luật gây ra. Để làm được việc này đòi hỏi các cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước phải được quan tâm bảo đảm các điều kiện tốt hơn nữa, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao và điều kiện cơ sở vật chất phù hợp.
Từ thực tiễn công tác, nhiều địa phương đã phản ánh khó khăn trong công tác kiểm tra văn bản tại địa bàn và đưa ra một số kiến nghị. Với tư cách là Thủ trưởng đơn vị tham mưu về công tác này cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông có đề xuất giải pháp gì?
- Để khắc phục khó khăn nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra văn bản thời gian tới, cần tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm tra đầy đủ, kịp thời các văn bản gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương; chú trọng các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường năng lực phản ứng với những tình huống văn bản sai có tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra văn bản, tiếp tục triển khai phần mềm hỗ trợ kiểm tra văn bản trong cả nước, sử dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Công báo điện tử.
Thứ hai, tiếp tục tập trung xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, nhất là những trường hợp văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc quyết liệt, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những trường hợp chậm xử lý văn bản trái pháp luật.
Xin cảm ơn ông!