Điều này cho thấy công tác kiểm soát các nhà nghỉ, khách sạn “đang có vấn đề”. “Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã biết là đối tượng đưa trẻ em vào khách sạn, nhà nghỉ của mình để giao cấu nhưng vẫn làm ngơ vì lợi nhuận”, bà Miên nhận định.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: Thực trạng và giải pháp” do Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ (XHT), tổ chức hôm qua (8/1).
Hành vi trên môi trường mạng khó kiểm soát
Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Phó phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, cho biết, số vụ XHT trên môi trường mạng, lợi dụng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để XHT có chiều hướng rất phức tạp, khó kiểm soát, khó phát hiện đấu tranh.
Kết quả khảo sát của Đề tài khoa học cấp Bộ của Bộ Công an cho thấy, từ 2010-2018, lực lượng cảnh sát hình sự phát hiện, điều tra xử lý 319 vụ/337 đối tượng XHT lợi dụng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để gây án; trong đó có 33 đối tượng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Số liệu khảo sát chưa đầy đủ của Cục cho thấy, từ 2015-2018, các địa phương phát hiện đấu tranh 156 vụ/167 đối tượng/155 nạn nhân.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), có khoảng 180.000 tên miền Việt Nam trên mạng internet. Hàng năm, lực lượng Công an Việt Nam nhận được hàng chục lượt thông tin, đề nghị của cảnh sát các nước về những nghi vấn tội phạm sử dụng các trang mạng, tên miền Việt Nam để tàng trữ, phát tán, mua bán các hình ảnh, phim về khiêu dâm trẻ em, XHT, mại dâm đồng tính trẻ em nam liên quan đến các địa chỉ IP tại Việt Nam.
Thực trạng trên cho thấy thế giới mạng đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ khi tiếp cận, cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức thủ đoạn XHT, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em... Đại diện Bộ Công an cho hay, qua công tác điều tra, xử lý các vụ án XHT đã phát hiện và đấu tranh cho thấy thủ đoạn chính của các đối tượng phạm tội là lập phòng “chát” ảo, game online, lập diễn đàn trên mạng... để tiếp cận, làm quen, lừa gạt dụ dỗ trẻ nhằm thực hiện hành vi xâm hại, môi giới mại dâm trẻ em, mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo Thượng tá Tráng, công tác phát hiện đấu tranh tội phạm XHT mạng gặp nhiều khó khăn vì đây là loại tội phạm không biên giới, đối tượng đang ở nước này có thể dễ dàng phạm tội ở nước kia, máy chủ có thể được đặt ở các nước khác nhau nên có thể dễ dàng xóa, hủy chứng cứ; thông tin về các thành viên tham gia đều là ảo nên truy xét khó khăn; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này chưa thực sự được như mong muốn. Việc xác minh thu thập tài liệu chứng cứ cũng khó khăn do đối tượng có tính ẩn danh cao. Việc thu thập chứng cứ điện tử chưa được quy định rõ trong hệ thống pháp luật. Công tác giám định các phim, ảnh khiêu dâm, đặc biệt khiêu dâm trẻ em cũng chưa có những tiêu chí rõ ràng và được luật hóa.
Bên cạnh đó, việc xử lý khách du lịch, người nước ngoài đến Việt Nam có hành vi XHT trên mạng cũng khó khăn vì họ có thể nhanh chóng di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác hoặc tức khắc trở về; rất khó khăn xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, tìm người làm chứng…
Cần chặn web “đen”
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án, nhận xét, trong các nguyên nhân dẫn đến tội phạm XHT, có sự hạn chế trong công tác quản lý internet. Theo bà Miên, dù Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản quản lý liên quan mạng internet nhưng thực tế các quy định đi vào thực tế vẫn còn chậm; công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền còn chưa triệt để.
Thống kê năm 2016 của Google cho thấy Việt Nam là nước có số người truy cập vào các trang web khiêu dâm đứng thứ tám thế giới. Còn thống kê của trang Similarweb. công cụ phân tích website toàn diện, trong danh sách các trang web có lượng truy cập nhiều nhất Việt Nam, có trang web khiêu dâm đứng ở vị trí thứ 7 và 7/15.
Theo thống kê của bà Miên, trong tổng số vụ phạm tội, thì số vụ có người phạm tội thường xuyên xem phim khiêu dâm chiếm tỉ lệ đáng kể, với 28,3%. Bà Miên cho rằng, việc thường xuyên xem phim khiêu dâm đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm, sinh lý của người phạm tội, gây ám ảnh, dẫn đến không kiềm chế được và ảnh hưởng đến việc phạm tội của họ. Việc hạn chế, chặn hoạt động của các trang web khiêu dâm là rất cần thiết.
PGS.TS Miên cũng chỉ ra hạn chế trong công tác quản lý các điểm kinh doanh như các nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, nhà hàng. Theo thống kê của PGS.TS Miên, trong tổng số 290 vụ án được nghiên cứu thì số vụ án xảy ra tại nhà nghỉ, khách sạn chiếm 36,5%. Trong số các tình huống trở thành nạn nhân của các tội XHT, 26,2% nạn nhân bị dụ dỗ đến nhà nghỉ, khách sạn. Điều này cho thấy công tác kiểm soát các nhà nghỉ, khách sạn “đang có vấn đề”.
“Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã biết là đối tượng đưa trẻ em vào khách sạn, nhà nghỉ của mình để giao cấu nhưng vẫn làm ngơ vì lợi nhuận”, bà Miên nhận định và cho rằng nếu công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm minh thì các nhân viên của nhà nghỉ, khách sạn sẽ không vi phạm như vậy.
Cẩn trọng với “du lịch tình dục”
Tham luận tại hội thảo, ông Khuất Văn Quý (Vụ phó Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL) cho biết các cơ quan chức năng thời gian qua đã phối hợp lực lượng cảnh sát các nước điều tra, xác minh, phát hiện và xử lý một số đối tượng phạm tội XHT trong hoạt động du lịch. Đối tượng XHT qua hoạt động du lịch có thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam với các hành vi dâm ô, giao cấu, mua dâm người chưa thành niên tại các địa bàn phát triển du lịch như TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội… Hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ khó lường và có nguy cơ gia tăng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch.
Theo đại diện Bộ Công an, dự báo hành vi XHT trên mạng vẫn sẽ được tội phạm khai thác lợi dụng, gây ra những tội ác và hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sự phát triển của trẻ, đòi hỏi lực lượng Công an phải nâng cao năng lực để có thể phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh hiệu quả. Những trang mạng xã hội mà các đối tượng lợi dụng để XHT hầu hết có máy chủ đặt tại nước ngoài nên đòi hỏi phải có sự chung tay, liên kết giữa cảnh sát các nước và các nhà kinh doanh mạng...