Kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc từ thực tiễn
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, năm 2018, với sự nỗ lực của Cục Giám sát quản lý về hải quan cùng với sự tham gia phối hợp của các đơn vị vụ, cục công tác xây dựng văn bản cơ bản đã hoàn thành theo yêu cầu đặt ra; một số đề án đã hoàn thành về mặt nội dung và các trình tự có liên quan chỉ chờ các cấp có thẩm quyền ký ban hành.
Đặc biệt Cục Giám sát quản lý về hải quan là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục được giao xây dựng, hoàn thiện cũng như triển khai hiệu quả Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 39/2018/TT-BTC và Thông tư 38/2018/TT-BTC, qua đó kịp thời xử lý cũng như kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề vướng mắc khi thực hiện.
Bên cạnh công tác chủ trì tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về thủ tục hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động XNK của các bộ, ngành.
Song song với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, năm 2018 các đề án cải cách hiện đại hóa hải quan của Ngành đã được đơn vị tích cực triển khai, đạt kết quả như: Triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Hệ thống VASSCM đã được triển khai tại 27/35 cục hải quan tỉnh/ thành phố, 68 Chi cục, 220 DN kinh doanh kho/bãi/cảng biển, kho ngoại quan, kho hàng không.
Một mảng công tác thường xuyên là tham mưu hướng dẫn và xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan được đơn vị kịp thời xử lý với khối lượng lớn. Năm qua, Cục Giám sát quản lý đã tiếp nhận và xử lý khoảng 25.000 văn bản đi, đến của cục hải quan các tỉnh thành phố, Hiệp hội, DN và các cơ quan có liên quan, qua đó, đã kịp thời giải đáp, xử lý, hướng dẫn cũng như tiếp thu các vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Có thể thấy những kết quả trong việc thực hiện chủ trương cải cách, tạo thuận lợi thương mại qua biên giới thông qua việc hoàn thiện quy trình, thủ tục hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; trang thiết bị hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa XNK đã góp phần không nhỏ vào kim ngạch XNK thương mại, với tổng số 12,05 triệu tờ khai XNK có kim ngạch hàng hóa XNK đạt 480,16 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017… Bên cạnh đó công tác giám sát quản lý hải quan cũng đạt nhiều kết quả.
Nghiên cứu áp dụng thông lệ quốc tế vào quy trình quản lý
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết trước yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp tục rà soát thông lệ quốc tế, nghiên cứu trên cơ sở thực tiễn áp dụng tại Việt Nam để nâng cao chất lượng tham mưu, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như tạo thuận lợi cho DN.
Đồng thời tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát quản lý và quản lý nội bộ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình thủ tục đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng chống các hành vi gian lận thương mại và vi phạm pháp luật hải quan.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành yêu cầu công tác xây dựng chính sách pháp luật luôn là nhiệm vụ quan trọng và liên tục, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan luôn chỉ đạo công tác xây dựng văn bản phải bám sát thực tế, phát hiện kịp thời từ việc nhỏ nhất thì đơn vị cần phải luôn nỗ lực để đạt yêu cầu cao.
Đặc biệt, trong việc xử lý các vấn đề vướng mắc cần nghiên cứu kỹ, tổng thể để có hướng dẫn chung cho các đơn vị thực hiện, tránh việc để xảy ra vướng mắc lớn, kéo dài và thực hiện không thống nhất tại địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cũng cho biết trong bối cảnh hiện nay ngành Hải quan đang đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa với nhiều đề án trọng tâm được triển khai mở rộng như Hệ thống VASSCM, để đáp ứng yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục để triển khai thành công tại các địa phương, đồng thời thiết lập đầu mối thông tin trao đổi để kịp thời phối hợp xử lý.
Bên cạnh đó, yêu cầu mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan, trong các quy trình nghiệp vụ cũng đặt ra yêu cầu đối với Cục Giám sát quản lý về hải quan phải nỗ lực để nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan các xây dựng bài toán nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu quản lý hải quan hiện đại.