Hiện tại, trên địa bàn TP có 2 tổ chức GĐTP công lập gồm Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội và Trung tâm Pháp y TP Hà Nội trực thuộc Sở Y tế. Trong đó, Phòng Kỹ thuật hình sự có 32 giám định viên (GĐV) tư pháp và 56 người giúp việc cho GĐV tư pháp; Trung tâm Pháp y có 7 GĐV tư pháp và 21 người giúp việc cho GĐV tư pháp.
Mặc dù đội ngũ còn khiêm tốn nhưng lực lượng GĐV trên đã rất tích cực triển khai nhiệm vụ được giao. Chỉ riêng năm 2017, 2 tổ chức GĐTP công lập đã thực hiện hơn 13 nghìn vụ việc giám định. Nhìn chung, đội ngũ GĐV ngày càng trưởng thành về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật và kiến thức khoa học kỹ thuật; các GĐV luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đảm nhận hiệu quả yêu cầu trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn TP.
Ngoài ra, Hà Nội có 137 người GĐTP theo vụ việc, là công chức tại các sở, ngành của TP, tập trung ở các lĩnh vực như Văn hóa, Thuế - Tài chính, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông…, chủ yếu làm việc kiêm nhiệm. Năm 2017, GĐTP các lĩnh vực Tài chính - Thuế được 14 vụ, lĩnh vực Văn hóa 4 vụ, lĩnh vực Xây dựng 1 vụ.
Có thể nói, công tác GĐTP đã phục vụ kịp thời, có hiệu quả một khối lượng lớn các yêu cầu của công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Quy trình giám định được chấp hành nghiêm túc, chất lượng giám định được nâng cao cả về nội dung và hình thức. Các kết luận giám định đảm bảo chính xác, khách quan. Thông qua hoạt động giám định đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm (nhất là thủ đoạn lợi dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để phạm tội) trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, hình sự, ma túy…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tư pháp TP Hà Nội, số lượng GĐV tư pháp tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội còn thiếu so với yêu cầu công tác, nhiều GĐV có kinh nghiệm đến tuổi nghỉ theo chế độ. Số vụ việc phải tiếp nhận giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trên địa bàn TP tăng đều hàng năm, trong khi đội ngũ GĐV bổ sung không kịp, nên lượng vụ việc có lúc tồn đọng, thời gian kết thúc giám định có lúc phải kéo dài, GĐV quá tải trong công việc.
Việc thu hút nhân lực có trình độ cao vào làm công tác giám định pháp y, đặc biệt cán bộ có trình độ đại học trở lên, các bác sỹ thuộc chuyên khoa giải phẫu bệnh, là rất khó khăn bởi chưa có chế độ đặc thù cho việc đào tạo và đãi ngộ... Trong bối cảnh đó, việc thành lập văn phòng GĐTP lại khó thực hiện do lĩnh vực được phép xã hội hóa còn hạn chế, ít lợi nhuận và khó thực hiện mà chi phí để thành lập, duy trì hoạt động của văn phòng GĐTP lớn.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực làm GĐTP, nhất là đối với người làm công tác giám định pháp y. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp sớm đề xuất giải pháp nhằm triển khai được việc thành lập văn phòng GĐTP và phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán kinh phí những nội dung thuộc lĩnh vực giám định chuyên ngành.
Đối với Bộ Công an, Hà Nội kiến nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; có chiến lược đầu tư trang bị phương tiện hiện đại cho các Phòng Kỹ thuật hình sự, đặc biệt ở những đô thị lớn, để đáp ứng tốt yêu cầu công tác trong tình hình mới...
Đối với Bộ Y tế, Hà Nội đề xuất sớm ban hành quy định về chế độ trực cho cán bộ y tế trong ngành Pháp y cũng như tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định pháp y. Sở Tư pháp cũng mong muốn UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND TP trong công tác quản lý nhà nước về GĐTP...