Sức sáng tạo và trí tuệ của công nhân lao động Việt Nam là vô hạn
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nhân lao động Việt Nam trong sự phát triển của đất nước, tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân diễn ra tại tỉnh Bắc Giang (tháng 5/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, công nhân không chỉ là lực lượng lao động chủ chốt mà còn là động lực quan trọng đưa Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển.
Không chỉ chăm chỉ lao động, công nhân Việt Nam còn tích cực tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo trong công việc. Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho tư duy sáng tạo và khả năng đổi mới của công nhân lao động Việt Nam là Chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Chương trình đã góp phần khích lệ, tạo động lực cho hàng triệu công nhân lao động trên khắp cả nước đóng góp ý kiến, đề xuất những ý tưởng mới, sáng kiến mới từ những điều nhỏ nhất trong công việc hàng ngày đến những đổi mới lớn, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn lao.
Trong thời gian phát động chương trình (2022 - 2023), đây là khoảng thời gian cả nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, tuy vậy, đã có đến hơn 2 triệu sáng kiến gửi về với đa dạng hình thức ở nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, từ y tế, giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính đến các sáng kiến cụ thể trong hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đến cải thiện đời sống, môi trường làm việc cho công nhân, người lao động... tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến ước tính lên đến hơn 33.000 tỉ đồng. Điều này đã chứng tỏ sức sáng tạo và trí tuệ của công nhân lao động Việt Nam là vô hạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và trong giai đoạn “bình thường mới”, các sáng kiến đã kịp thời thích ứng với điều kiện sống, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, thông qua việc phát huy sáng kiến, sáng tạo đã khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, vai trò tiên phong, sáng tạo, đổi mới của giai cấp công nhân lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường không chỉ là một ý tưởng trừu tượng mà là sứ mệnh của mỗi người dân Việt Nam nói chung và công nhân lao động nói riêng. Họ là những người hiểu rõ nhất về ý nghĩa của lao động và họ biết rằng mình đang làm công việc không chỉ để kiếm sống mà còn để góp phần xây dựng một xã hội, một đất nước ngày càng phồn thịnh, ấm no, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tại Hội nghị tổng kết Chương trình “1 triệu sáng kiến”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ghi nhận và khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ công nhân lao động, của Công đoàn Việt Nam. Sự phát triển và lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước nói chung và nền kinh tế nước nhà nói riêng.
“Công đoàn phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động; quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phía công nhân lao động, họ hiểu rằng sự phát triển của đất nước không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn tạo ra nhiều việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân. Đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp, giai cấp công nhân đã và đang là những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.