Bà Bùi Thanh Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Phú Lợi nói: “Tính ra nữ công nhân nuôi con một mình có ‘mênh mông’”. >> Những đứa con rơi ở khu công nghiệp Bình Dương 1. 9 giờ tối. Tại xóm trọ ở khu phố 8, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, sau khu công nghiệp Đại Đăng, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Trúc Phương, 38 tuổi, quê Kiên Giang vẫn đang lúi húi nhặt những bông hoa huệ vừa xin ở chùa cho bữa tối. Chị bảo, hấp hay luộc đều ngon. Ăn hoa huệ vào những ngày đầu xuân hay rằm hàng tháng cho con người hiền lành hơn. Cha của hai con đứa con chị Phương là Nguyễn Thị Như Ý, học lớp 4 và Nguyễn Thị Như Nguyên 4 tuổi đã bỏ gia đình đi theo người đàn bà khác cách đây 3 năm. Như Ý đang đi học phải nghỉ ngang ở nhà trông em. Như Nguyên đã 4 tuổi những không biết trường mẫu giáo là gì. Cả ba mẹ con sống lặng lẽ trong căn phòng trọ rộng chừng 8m2.
Căn phòng nhỏ như vậy nhưng cũng có gác xép. Chị Phương nói, “ngủ trên đó để nhường sân gạch làm nơi tiếp khách, chỗ cắt quần áo may vá cho người xóm trọ”. Từ ngày chồng bỏ đi, chị chuyển qua nghề may vá, sửa quần áo cũ. Bị coi là lớn tuổi, không có nhà máy nào nhận chị làm công nhân. Một lần, nghe tin chồng đang ở Vũng Tàu, chị Phương “khất” tiền trọ 500.000 đồng khăn gói đi tìm chồng.“Thế mà cha bọn trẻ đâu chịu về. Đêm nằm thương con, lớn lên mà không có cha”- chị Phương ngậm ngùi. Vừa qua ngày rằm, người ta cúng hoa huệ trên chùa rất nhiều. Ngoài đường cũng cắm nhiều hoa huệ. Tôi thấy chị Phương xin được rất nhiều hoa. Nghe chị nói, “để dành ăn”. Chắc bữa sáng ngày mai của ba mẹ con cũng là bông hoa huệ. 2. Khu nhà trọ bỗng vang lên tiếng khóc, tiếng gọi mẹ. Nguyễn Thị Thanh Hương bế đứa con nhỏ bước ra. Rời quê Nam Định, Hương vào đất công nghiệp Bình Dương làm công nhân. Sau hơn 1 năm, Hương quen với một thanh niên cùng quê rồi nhanh chóng lập gia đình. Đám cưới được tổ chức vội vàng, không giấy kết hôn. Đến ngày sinh, chồng không chịu “mang gông vào cổ”, bỏ đi biệt tăm. Hương còn rất trẻ, là công nhân xưởng gỗ thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Giờ cô phải chăm lo cho một đứa con dại, không cha. Đặng Thị Diễm Ngân, thành viên xóm trọ trẻ nhất mới tròn 20 tuổi. Cô có con từ khi lên 17. Ngân cũng là công nhân xưởng gỗ, lương 60.000 đồng/ngày. Cũng đã có một đám cưới vội. Chồng Ngân là một thanh niên thợ sơn quê ở Ninh Thuận. 3 tháng sau khi sinh con, chồng Ngân rũ áo bỏ. “Nghe đâu, “chàng họ Sở” về Vũng Tàu”, Ngân kể. Trời về khuya, các dãy trọ mỗi lúc mỗi đông hơn khi lần lượt công nhân tan ca từ nhà máy. Vọng lên từ cuối dãy nhà, một chị hỏi thăm: “Giờ này mẹ con Thúy chưa về, thêm mẹ thằng cu Tí ở Bến Tre sao về muộn vậy nhỉ”. Chúng tôi giật mình, xóm trọ nhỏ này có đến 5 người phụ nữ không chồng ở một mình nuôi con. "Công nhân không chồng mà có con ở khu trọ này là dân tứ xứ, từ Bến Tre, Đồng Tháp đến Hà Tĩnh, Nam Định... Hoàn cảnh hẩm hiu giống nhau” - Bà Bùi Thanh Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Phú Lợi nói. Bà Chủ tịch Hội phụ nữ phường nói thêm: “Tính ra nữ công nhân nuôi con một mình có "mênh mông”. (Còn nữa)
Theo Chí Dương
Khoa học Đời sống online
Khoa học Đời sống online