Với mức tăng trưởng bình quân 8 tháng qua là 18,1%, khu vực sản xuất công nghiệp FDI đang phục hồi mạnh mẽ, bằng và vượt nhẹ so với mức tăng trưởng bình quân thời kỳ trước suy giảm kinh tế toàn cầu. Nhiều dấu hiệu cho thấy, công nghiệp FDI sẽ có sự tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Hầu hết đều tăng trưởng
Từ sản xuất cao su, nhựa, linh kiện và thiết bị điện tử, linh kiện ô tô, xi- măng đến các ngành giày dép, đồ chơi trẻ em, nến thơm…đều có sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó, riêng các doanh nghiệp FDI trong các KCN có doanh thu tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng tới 85%. Ông Mai Xuân Hòa, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp FDI trong các KCN đã tăng tuyển dụng lao động đón đầu sự phục hồi kinh tế. Đến nay, nhiều doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn tăng trưởng rất cao như Yazaki, Pioneer, Toyota Gosei…Ngay cả một số doanh nghiệp nhỏ như Hilex, J.K.C, Syntec, Sougou…cũng có sự phục hồi mạnh, tuyển dụng thêm nhiều lao động.
Ngành giày dép sau nhiều năm “liêu xiêu” vì vụ áp thuế chống bán phá giá giày mũ da của EU lại tiếp đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có lúc đứng trước nguy cơ phá sản, nay cũng bắt đầu phục hồi. Các đơn hàng tăng lên và doanh nghiệp tăng tuyển dụng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các ngành khác như xi măng (Chinfon) vẫn sản xuất ổn định, tăng trưởng khá và đóng góp cho ngân sách cao. Ngoài ra, hơn chục dự án FDI mới đi vào hoạt động, góp phần làm tăng thêm 200 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp cho khối này. Trong đó, dự án nhà máy sản xuất tua-bin sức gió của Tập đoàn GE (Mỹ) trong KCN Nomura (xuất xưởng lô hàng đầu tiên vào tháng 5 vừa qua), dự kiến, sẽ khánh thành vào ngày 15-10 tới.
Một vài ngành sản xuất có sự sụt giảm nhẹ như ngành sản xuất thép giảm 4,1% do một số nhà máy tạm dừng lò để bảo dưỡng; sản xuất sản phẩm từ kim loại giảm 35,6%; chế biến gỗ giảm 2,5% do thiếu đầu vào.
Công nhân Công ty cổ phần cáp điện LS-Vina vận hành máy cuộn cáp điện xuất khẩu. |
Khó khăn do thay đổi tỷ giá
Mặc dù có sự tăng trưởng cao về sản lượng, doanh thu, song doanh nghiệp FDI cũng phải đối mặt với khó khăn lớn do sự thay đổi tỷ giá. Các doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng kim ngạch nhập khẩu cũng cao không kém và thường xuyên nhập siêu. Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu khu vực này đạt 715,5 triệu USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu 834,6 triệu USD, tăng 31,9%.
Phó tổng giám đốc Công ty LS Vina Cable Nghiêm Đức Minh cho biết, công ty nhập khẩu tới 60-70% giá trị sản phẩm. Do biến động tỷ giá, năm nay, công ty thiệt hại hơn 2 triệu USD hồi đầu năm và thiệt hại thêm khoảng 1,5 triệu USD đợt điều chỉnh tỷ giá gần đây. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của công ty. Đối với một số doanh nghiệp khác, khi hiệu quả kinh doanh kém đi, doanh nghiệp sẽ trừ vào phần phúc lợi dành cho người lao động, không khuyến khích được sản xuất.
Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất và nguyên vật liệu cho sản xuất. Việc tăng tỷ giá VNĐ/USD nhằm hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu mà trong nước chưa sản xuất được.
Trước thực trạng trên, một mặt, các doanh nghiệp FDI cần nghiên cứu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm, giảm nhập khẩu các máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được. Mặt khác, Nhà nước nghiên cứu các chính sách bảo vệ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất. Bởi lẽ, chỉ có tăng trưởng sản xuất mới tạo ra các giá trị bền vững cho sự phát triển./.
Minh Châu