Nhiều tiềm năng bùng nổ
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, trên toàn Việt Nam có khoảng 8.600 chợ; gần 1.000 siêu thị, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Thị trường bán lẻ đã phục hồi cùng với nền kinh tế, đặc biệt ngành hàng tiêu dùng và hàng hóa nông sản, thực phẩm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi họ có thể tham gia kinh doanh tất cả các mặt hàng (trừ 9 mặt hàng Việt Nam cam kết không mở cửa).
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ. Dự báo chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng 10%/năm, năm 2020 sẽ đạt mức chi tiêu 714 USD/tháng. Nhưng tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, cứ 100.000 dân cần 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại (TTTM); cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.
Bà Nga khẳng định: “Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhưng thị trường vẫn nằm trong tay các nhà bán lẻ nội địa”. Theo thông tin bà Nga cung cấp thì hiện nay Saigon Co.op đạt doanh thu lớn nhất với 32.000 tỷ đồng, Vingroup đạt kỷ lục có tổng diện tích mặt bằng thương mại lên đến 400.000m2, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố nhất (với 44 tỉnh thành); Big C lại đứng đầu phân khúc đại siêu thị với 39 siêu thị trên toàn quốc, dự kiến năm nay, số lượng siêu thị Big C sẽ tăng lên 43 siêu thị. TTTM Aeon thì hoạt động với mục tiêu chính là hỗ trợ hàng Việt Nam xuất khẩu bằng nhãn hiệu riêng, dự kiến lên đến 1 tỷ USD vào năm 2025.
Bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc điều hành Dự án Intage Việt Nam đưa ra dự báo, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm. Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên đến 158 tỷ USD năm 2016 và dự kiến là 179 tỷ USD vào năm 2020.
Đưa ra ví dụ, giai đoạn từ 2015-2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9% nhưng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7% so với năm 2017, bà Vân khẳng định, đây là mức tăng đột phá và là mức tăng cao nhất trong 05 năm trở lại đây. Đây chính là dấu hiệu cho sự bùng nổ của thị trường bán lẻ trong năm 2019 và 2020.
Ông Sasamori Hiroaki, Tổng Giám đốc khối Văn phòng, Công ty Aeon Việt Nam thông tin, trong 2 năm tới, Aeon sẽ khởi công thêm 2 TTTM tại Hải Phòng và Hà Đông. Ông này khẳng định, thị trường bán lẻ Việt Nam thật sự rất tiềm năng do mật độ đô thị hoá của Việt Nam cao. Dự báo Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ đô thị hóa khi hiện có 813 đô thị các loại, bao gồm cả các đô thị đặc biệt(là khu kinh tế, khu công nghiệp).
Hành vi tiêu dùng thay đổi thế nào?
Trong các dự báo về thị trường bán lẻ, bán lẻ trực tuyến đang được các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới quan tâm và dành nhiều tâm sức để quyết giành giật khách hàng về mình.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đưa ra con số giật mình, trung bình mỗi ngày người Việt Nam chạm vào điện thoại 150 lần. Ông này khẳng định, khách hàng của bán lẻ hiện nay không đơn giản là mua bán trực tuyến mà họ đang sống trực tuyến. Do đó các nhà bán lẻ phải thay đổi công nghệ và xu hướng tiêu dùng nếu không muốn mất đi các cú chạm điện thoại của khách hàng.
Ông Tuyến cho rằng, việc sử dụng công nghệ vào bán lẻ không phải là một thương vụ đầu tư lớn, chỉ đơn thuần là việc dịch chuyển xu hướng bán lẻ từ offline sang online (từ bán cửa hàng đến trực tuyến) và không tốn kém đối với các đơn vị bán lẻ, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ông Tuyến khẳng định: “Chỉ một năm nữa thôi, các xu hướng mua bán không cần giao tiếp sẽ bùng nổ tại Việt Nam”. Bà Lưu Bảo Vân cũng đưa ra ví dụ cho thấy, ngay cả khi đã đến tận cửa hàng rồi nhưng người tiêu dùng vẫn sẽ dùng điện thoại để mua bán trực tuyến, đó là xu thế không thể khác được.
Thậm chí, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc (Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam) còn cho biết, công nghệ sử dụng trong bán lẻ đã không chỉ hướng đến người dùng mà các tập đoàn bán lẻ cũng đã xây dựng những trải nghiệm mới, đầy thích thú đối với cả các nhà đầu tư và khách hàng.
Ví như, xu hướng sử dụng robot tại các siêu thị đang được các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới thử nghiệm. Các thế hệ robot được sử dụng như robot mart (một loại hình siêu thị không người bán); robot tự động mới được ra mắt trong thòi gian gần đây (giúp scan được bảng giá, xem xét các vật dụng được để đúng ở vị trí mong muốn hay không); robot tự lái của Amazon đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.