Cụ thể ở đây là công cụ tìm kiếm và so sánh giá sản phẩm trên mạng internet của Google được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, hãng này tung ra ứng dụng và dịch vụ so sánh giá cả sản phẩm của tất cả các hãng trên thế giới được giới thiệu trực tuyến. Google lập bảng xếp thứ hạng giá đắt rẻ để khách mua hàng tự quyết định.
Nếu Google thật sự khách quan và minh bạch thì chuyện này không có gì đáng để phải phàn nàn, thậm chí còn rất xứng đáng được hoan nghênh. Nhưng Google dùng những thuật toán rất tinh vi và khó truy cứu ngược để quảng bá và tiếp thị cho chính những sản phẩm và dịch vụ của Google, hoặc của những đối tác của Google.
Hệ lụy trực tiếp của chiêu trò này của Google là khách hàng bị đánh lừa, không được cung ứng bảng thứ tự xếp hạng giá cả sản phẩm trung thực và khách quan nhất. Như thế cũng còn là cạnh tranh không công bằng và lành mạnh. Năm 2010, đã bắt đầu có những công ty phát giác thủ thuật này của Google và đã khiếu nại.
Ủy ban Châu Âu đã cho tiến hành điều tra và đi đến kết luận các khiếu nại liên quan phản ánh đúng thực tế. Bởi vậy, EC quyết định phạt Google 2,4 tỷ euro và buộc hãng này chấm dứt ngay chiêu trò gian dối kia. Ủy ban Châu Âu cần 7 năm để tiến hành điều tra và đi đến quyết định trừng phat Google. Google khiếu nại lên tòa án của EU và mãi đến vừa rồi, tòa án của EU mới đưa ra phán quyết, giữ nguyên mức phạt tiền của Ủy ban Châu Âu, đồng thời bác bỏ mọi lập luận của Google.
Trên danh nghĩa, công lý đã được xác lập trong chuyện này. Theo đó, hành vi sai trái của Google đã bị trừng phạt và hãng này bị buộc phải chấm dứt chiêu trò kia. Nhưng công lý là một chuyện, công bằng lại là chuyện khác. Nếu như có được phán quyết cuối cùng này của tòa án EU ngay từ năm 2010 thì có thể nói công lý đưa lại cả công bằng.
Trong thời gian mười mấy năm qua, Google bị kiện tụng và tuyên phạt nhưng không bị thiệt hại gì, còn những bên bị tổn hại bởi chiêu trò này thì có bên thiệt hại đến mức không còn có thể tiếp tục tồn tại được nữa, trong khi Google và các đối tác hợp tác liên kết của Google vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Mức phạt 2,4 tỷ euro kia thật sự không bõ bèn gì so với số lợi nhuận mà Google nhờ cách thức kinh doanh ấy thu về được trong hơn 10 năm qua. Như thế có công bằng hay không thì thiên hạ có thể tự hiểu và tự suy xét.
Bất cập mang tính quyết định ở đây là thời gian. Công lý đến kịp thời thì mới có thể đảm bảo có công bằng. Công lý đến muộn dù vẫn còn hơn là không đến, nhưng vì sự chậm trễ mà đã bị khiếm khuyết ở mức độ rất cơ bản, đó là thiếu đi sự công bằng. Nhiều hệ luy của việc đó mãi mãi về sau không có thể được khắc phục...