Quốc hội họp lần này, các báo cáo của Bộ Công an về tình hình phòng chống tội phạm, TANDTC về tình hình xét xử, VKSNDTC về công tác giám sát pháp luật và Bộ Tư pháp về công tác thi hành án không còn đóng dấu "mật" đã tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, song cái thu được lớn hơn là những thông tin đó đến với đông đảo người dân qua các phương tiện truyền thông. Đây là một ghi nhận về những bước tiến của công khai và những quy định của Luật Tiếp cận thông tin đã đi vào đời sống.
Đã có nhiều lời phàn nàn về hiện tượng lợi dụng bảo mật để bưng bít thông tin và hệ quả xấu của việc này cũng đã có. Thương vụ mua bán giữa Mobifone và AVG là một ví dụ khi các hợp đồng đều đóng dấu "mật" và hậu quả xảy ra thế nào thì mọi người đã biết rõ.
Có những việc thuộc bí mật nhà nước, bí mật quốc gia rõ ràng là phải bảo mật chặt chẽ và có chế tài. Để giữ bí mật thì cần đến danh sách bảo mật công khai cho mọi người biết, nếu danh sách các vấn đề bảo mật cũng bí mật thì còn ai biết để thực hiện. Không rõ ràng, minh bạch điều này thì dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng dấu "mật" và xảy ra trường hợp bị truy tố vì làm lộ bí mật. Chuyện này đã từng xảy ra.
Cái gì, vấn đề nào, thông tin thuộc loại nào thì cần bảo mật cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng, nếu cái không đáng "mật" cũng "mật" hoặc cái đáng phải "mật" lại không được bảo mật sẽ gây tác dụng xấu cho sự phát triển kinh tế cũng như công bằng xã hội.
Dư luận tỏ ra không đồng tình với điều khoản của dự thảo luật khi đưa nhân thân của các vị lãnh đạo vào vấn đề bí mật cũng như trước quy định "bảo vệ lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trong không gian mạng". Đã có những ý kiến bàn thảo về vấn đề này, phân tích những căn cứ, cơ sở và việc "lợi bất cập hại" khi những quy định này đi vào đời sống.
Công khai và bảo mật, minh bạch và giữ bí mật là những phạm trù khác biệt nhau nhưng song hành, cùng là một mục đích bảo vệ trật tự xã hội, đảm bảo quyền công dân, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước hướng tới một chế độ xã hội tốt đẹp và phồn vinh.