Trong báo cáo, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu NSNN năm 2020, gồm: Phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu tài chính – NSNN giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại NSNN gắp với sắp xếp phù hợp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.
Dự kiến dự toán thu NSNN năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019; tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 22,2% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19,4% GDP.
Dự kiến dự toán chi NSNN năm 2020 là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán chi năm 2019.
Chi NSNN năm 2020 sẽ được thực hiện trên nguyên tắc: Tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; bố trí chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn, quản lý chặt các khoản vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; tiếp tục cải cách tiền lương từ 1/7/2020 (tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng); bố trí dự phòng, dự trữ quốc gia đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.
Trong năm 2010, Bộ Tài chính dự kiến bội chi NSNN là 234,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP. Dự kiến đến hết năm 2020, dư nợ công bằng 54,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,5% GDP.
Bộ Tài chính cũng công khai dự kiến kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2020 - 2022.
Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính nhận định: Việc công bố này sẽ góp phần khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân của địa phương mình. Người dân có thể thông qua đó nắm được thông tin cơ bản về ngân sách của địa phương, từ đó có thể đóng góp tiếng nói thông qua hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khi quyết định ngân sách của địa phương.
Bản báo cáo này được xuất bản sớm, thực hiện theo chuẩn mực chung của quốc tế, tức là công khai lấy ý kiến trước khi Quốc hội quyết định.
Được biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Việc công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế.