Sáng 18/11, trong phiên chất vấn tại Hội trường Diên hồng, Chánh án TAND TC đã trả lời câu hỏi của các ĐBQH liên quan đến vấn đề công khai bản án.
Theo ông, công khai bản án là một trong những giải pháp đột phá. Việc công khai bản án trên mạng có nhiều tác dụng, nó đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Chánh án TANDTC khẳng định đây là một chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của tòa án là công khai minh bạch và việc công khai bản án cũng nằm trong thực hiện nguyên tắc này.
"Thông qua việc công khai bản án, chúng tôi cũng còn đề cao trách nhiệm của thẩm phán để mỗi khi thẩm phán đặt bút viết bản án thì biết rằng sau đây mấy ngày người dân sẽ phán xét về bản án của mình cho nên cẩn trọng hơn trong việc áp dụng pháp luật, cẩn trọng hơn trong việc câu cú lời lẽ trong bản án, kể cả văn phạm, ngữ pháp. Đây cũng là một cơ chế để cho người dân và các cơ quan dân cử giám sát hoạt động của tòa án và cũng là một kênh thông tin để qua đó chúng tôi đánh giá chất lượng thẩm phán, anh nào tốt, anh nào yếu, anh nào còn đang có những vấn đề năng lực phẩm chất và kinh nghiệm." Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Ông cũng cung cấp thêm thông tin: Trước giờ vào phiên chất vấn, buổi sáng ngày hôm nay chúng tôi đã công bố được 32.318 bản án và từ tháng 9 đến nay đã có gần 1.400.000 lượt người dân đọc. Chúng tôi đã nhận được 5.362 ý kiến của người dân góp ý cho 1.116 bản án. Đa số các ý kiến đánh giá tích cực về các bản án và cũng có những ý kiến góp ý về nội dung các bản án.
Liên quan đến mối quan tâm của đại biểu là việc công khai bản án này có ảnh hưởng đến quyền của công dân, bí mật đời tư hay không? Chánh án nói: Chúng tôi đã ban hành nghị quyết quy định có một số bản án được công khai và có một số bản án không được công khai. Những bản án không được công khai như bản án liên quan đến an ninh quốc gia. Những bản án liên quan đến vị thành niên là không được công khai. Khi công khai thì phải mã hóa tên của những người liên quan trong vụ án, bị can, bị cáo, bên nguyên, bên bị, tên, địa chỉ, từ quận huyện trở xuống là được mã hóa, còn tỉnh, thành phố phải giữ nguyên. Nội dung vụ án không được mã hóa, tên thẩm phán chủ trì phiên tòa không được mã hóa để cho người dân giám sát.
"Bí mật đời tư của người dân cũng được đảm bảo và đây là kinh nghiệm không phải của chúng ta, thế giới người ta cũng làm nhiều. Một số nước người ta bảo xét xử công khai người ta không cần mã hóa, nhưng nhiều nước còn lại cũng đã mã hóa tên những người liên quan của vụ án. Tôi cho rằng, với cách mã hóa như thế nào, cả tên, địa chỉ, số nhà, đường phố và đến quận huyện thì bí mật đời tư được bảo đảm."- ông khẳng định.