Chị Trần Thị Lâm Thanh (Thanh Hóa) hỏi: Khái niệm công chức được quy định tại Khoản 3, Điều 4, Luật Cán bộ, công chức 2008; Còn khái niệm viên chức được quy định tại Điều 2, Luật Viên chức 2010. Như vậy, công chức và viên chức khác nhau như thế nào?.
- Căn cứ vào nội dung hai khái niệm “công chức” và “viên chức” có thể rút ra những điểm khác nhau như sau: Cách thức để trở thành công chức, viên chức: công chức được tuyển dung, bổ nhiệm. Viên chức: được tuyển dụng. Vị trí làm việc được phân: Công chức phân thành các ngạch. Viên chức: không phân thành ngạch.
Nơi làm việc: Viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn công chức làm việc trong các cơ quan sau: cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp; Bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Chế độ làm việc: công chức theo biên chế; viên chức theo hợp đồng làm việc. Nguồn của lương: công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (đối với những người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập). Viên chức: hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Cty TNHH Luật Lê và Liên danh