Theo tờ The Epoch Times, Bộ tư pháp Mỹ trong một thông báo gửi cho giới chức Canada cho biết, trong vòng 11 năm qua, bà Mạnh đã được cấp không ít hơn 7 hộ chiếu ở cả Trung Quốc và Hong Kong.
Giới chức Mỹ cũng đã liệt kê cả số của 7 hộ chiếu này làm bằng chứng và cho rằng bà Mạnh có nguy cơ bỏ trốn.
Ngoài ra, tờ Minh Báo của Hong Kong cũng cho biết bà Mạnh còn có một cuốn hộ chiếu thứ 8 sử dụng khi đến dự một sự kiện mang tính kỷ niệm của Huawei năm 2004 và đó là một cuốn hộ chiếu do Trung Quốc cấp.
Liên quan đến vụ việc, theo tờ South China Morning Post, giới chức Hong Kong khi được hỏi cho biết chỉ có một giấy tờ đi lại do chính quyền đặc khu cấp là có hiệu lực.
Theo hãng tin trên, người phát ngôn của Cơ quan Nhập cư Hong Kong từ chối bình luận về những trường hợp mang tính đơn lẻ nhưng xác nhận rằng tại một thời điểm, những trường hợp được cấp hộ chiếu của đặc khu Hong Kong chỉ được sở hữu một hộ chiếu có hiệu lực.
Theo người này, có những trường hợp người giữ hộ chiếu sẽ nộp đơn xin giữ hộ chiếu cũ đã không còn hiệu lực do hết hạn, hư hỏng hoặc phiên bản cũ để kết hợp với hộ chiếu mới trong trường hợp hộ chiếu đã hết hạn nhưng còn visa có hiệu lực. Tuy nhiên, bản thân hộ chiếu cũ vẫn không có giá trị.
Theo nhiều nguồn tin, có khả năng bà Mạnh chỉ sở hữu một hộ chiếu Hong Kong hợp lệ nhưng mang theo 2 hộ chiếu cũ khi ra nước ngoài vì cần sử dụng visa còn hiệu lực.
Hiện, các chính trị gia và các chuyên gia về pháp lý tại Hong Kong đã lên tiếng thắc mắc về lý do bà Mạnh có thể giữ nhiều hộ chiếu như vậy và kêu gọi giới chức địa phương điều tra về vụ việc.
Bà Mạnh bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver khi đang quá cảnh tại sân bay trong hành trình từ Hong Kong tới Mexico.
Bà này đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc cố tình bán các thiết bị cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà sẽ phải đối mặt với các cáo buộc âm mưu lừa đảo nhiều định chế tài chính với mức án tối đa có thể lên đến 30 năm tù.