Ông Nguyễn Văn Được – UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cho biết, trong thời gian qua công tác lập quy hoạch tỉnh Long An được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 và là công cụ quan trọng trong định hướng quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tính chất quan trọng của công tác lập quy hoạch, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch hội đồng. Qua hơn 02 năm xây dựng quy hoạch, ngày 13/6/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch. Tỉnh Long An là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc biến tiềm lực này thành nguồn lực thật sự để phát triển. Ảnh: Nhựt Nam |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Long An phải biết biến tiềm lực này thành nguồn lực thật sự để phát triển. Đồng thời, phải hóa giải được những cái mâu thuẫn và thách thức tồn tại yếu kém của mình. Qua đó, phát huy lợi thế là tỉnh trung tâm của hành lang và vành đai kinh tế. Ngoài ra, Long An cũng cần cải thiện môi trường đầu tư làm sao cho tốt hơn nữa.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Được – UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Như |
Tầm nhìn đến năm 2050 Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Long An sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”, cụ thể: TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai hành lang kinh tế gồm: hành lang đường Vành đai 3 - 4: Bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang phát triển phía Nam: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).
Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái. Đồng thời, sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4, Trục động lực quốc lộ 50B, Trục động lực song hành quốc lộ 62, Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh, Trục động lực quốc lộ N1, Trục động lực Đức Hoà.
Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Long An cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác. Quy hoạch tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá môi trường từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thứ 3 từ trái sang), trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Phong |
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Long An cũng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư.