Hôm qua, 22.3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.
Được thực hiện năm thứ 13, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 DN, trong đó có trên 10.200 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, TP và gần 1.800 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, TP tại Việt Nam…
Bản đồ PCI 2017: Bức tranh nhiều khởi sắc
Trong Bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100. Để từ vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng PCI 2016, Quảng Ninh đã tăng hơn 5 điểm phần trăm so với năm trước. Trong khi Đà Nẵng tuy vẫn giữ phong độ với 70,11 điểm (chỉ nhích hơn năm trước 0,11 điểm phần trăm) đã phải nhường ngôi “vương” cho Quảng Ninh. Đồng Tháp tuy cải thiện 3,82 điểm phần trăm nhưng cũng chỉ giữ được vị trí thứ 3 như năm trước.
Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, TP có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 lần lượt gồm: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP HCM (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm). Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh…
Đáng chú ý, trong hành trình cải thiện MTKD, các tỉnh thuộc nhóm cuối Bảng xếp hạng như Đắc Nông, Bình Phước, Kon Tum, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng…đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngọan mục khoảng cách với các TP thuộc nhóm tiên phong. Đắc Nông, tỉnh duy nhất trong nhóm thấp trong Bảng xếp hạng PCI 2017 nhưng cũng đã có sự cải thiện điểm số từ 63,63 điểm năm 2016 lên 55,12 điểm năm 2017.
Tác động cải cách đã lan toả, 5 tỉnh, TP trực thuộc TW, các đầu tàu kinh tế của cả nước: Hà Nội, TP HCM. Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, và lần đầu tiên góp mặt đầy đủ trong Top 15 tỉnh, TP có chất lượng điều hành trong năm qua…
“Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong MTKD của Việt Nam năm vừa qua. Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để cải thiện MTKD của mình. Nhiều chính sách, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ như Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN đang phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế…”- TS Vũ Tiến Lộc phát biểu…
Cải cách: Cần có thêm động lực mới
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, PCI 2017 đã nổi lên 3 xu hướng tích cực, đó là: Cải cách hành chính có bước tiến; Chi phí không chính thức giảm; Chính quyền đồng hành hỗ trợ. Tuy nhiên vẫn tồn tại 3 xu hướng đáng lo ngại, đó là: Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Thiết chế pháp lý.
Những tồn tại đáng lo ngại đó, theo TS Vũ Tiến Lộc, đó là những “điểm tối” mà chúng ta chưa thể hài lòng. Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% DN cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức. DN cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều DN…
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, mặc dù điểm số PCI trung vị có được cải thiện, nhưng đang có sự chững lại của các Ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100. “Điều này cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách TTHC ở cấp các bộ ngành TW cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở. Theo hướng này, chúng ta kỳ vọng yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30-50% TTHC và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng…”- Chủ tịch VCCI khẳng định.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và có tính cạnh tranh hơn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chính quyền các cấp mà còn ở chính cộng đồng DN. Chính quyền phải đẩy mạnh cải cách thể chế, DN phải nâng cấp về quản trị để bắt kịp với những chuẩn mực toàn cầu…