Tham dự Đoàn kiểm tra số 2 có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra; các thành viên Đoàn kiểm tra là đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Về phía tỉnh Bình Định, có đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh thuộc diện được kiểm tra.
Theo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, từ ngày 1/1/2016 - 30/6/2023, các cơ quan, tổ chức có liên quan của tỉnh Bình Định đã tăng cường phối hợp, chủ động tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành 947 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 291 nghị quyết, 626 quyết định) về thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước.
Qua kiểm tra, rà soát hằng năm, các cơ quan, tổ chức có liên quan của tỉnh Bình Định đã kiến nghị HĐND và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung 176 văn bản; thay thế, bãi bỏ toàn bộ 362 văn bản. Nội dung các văn bản đã được thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…
Về rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để PCTNTC theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cá nhân và tập thể có sai phạm. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận và xử lý nguồn tin tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. |
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy cấp ủy, chính quyền các cấp của Bình Định đã cụ thể hóa, thể chế hóa tương đối đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong kỳ kiểm tra, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cấp ủy có liên quan của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc. Đồng thời, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC.
HĐND, UBND tỉnh Bình Định và các đơn vị được kiểm tra đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực được kiểm tra. Đồng thời, quan tâm kiểm tra, giám sát thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương trong lĩnh vực kiểm tra, đáp ứng yêu cầu PCTNTC.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Định đã đạt được trong việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thường xuyên rà soát và kịp thời khắc phục các sơ hở về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về PCTNTC; tiếp tục tăng cường vai trò trách nhiệm, tính nêu gương trong vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thể chế hóa các chủ trương, chính sách PCTNTC.
“Kết quả kiểm tra sẽ giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và các cơ quan chức năng có cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn về công tác PCTNTC, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.