Công bố chất lượng đào tạo: Các trường đại học phải trung thực, minh bạch

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.
(PLVN) - Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đại học (ĐH) phải trung thực, minh bạch khi công bố các thông tin về chất lượng đào tạo theo hướng chất lượng được đến đâu thì công bố đến đó.

Hướng tới xây dựng nền giáo dục ĐH chất lượng, trung thực

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 là kỳ thi rất quan trọng. Đến thời điểm này, kỳ thi được đánh giá thành công. Theo ông Nhạ, trong hôm nay (18/7), các Sở GD&ĐT sẽ phải hoàn thành xét tốt nghiệp để công bố cho các học sinh và các trường, còn các trường ĐH cũng bắt đầu khởi động mùa tuyển sinh.

Trên cơ sở phổ điểm của các môn học, từng địa phương, Bộ tiếp tục tổ chức hội nghị trực tiếp với các sở để bàn xem tại sao môn này, môn kia thấp; mổ xẻ nguyên nhân để rút kinh nghiệm. “Năm nay khi phân tích phổ điểm, nhìn chung môn Lịch sử và Tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sang năm”, ông Nhạ nói.

Đối với mảng ĐH, tới đây Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt vấn đề chất lượng. Bộ trưởng Nhạ nêu rõ yêu cầu phải minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện nghiêm kiểm định chất lượng: “Chất lượng đến đâu thì công bố đến đó…, tránh tình trạng áo An Phước nhưng dán mác Lacoste và bán với giá Lacoste là không được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ví von và bày tỏ mong muốn các trường ĐH cùng quyết tâm xây dựng một nền giáo dục ĐH chất lượng và trung thực.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Liên quan đến câu chuyện tự chủ đại học, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.

Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Việc tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội.

Cho ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT đánh giá cao việc luật quy định tăng cường tự chủ song song với hậu kiểm và siết chặt xử phạt. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, qua trao đổi, một số trường băn khoăn về hình phạt nặng được ghi rõ trong luật là đình chỉ tự chủ trong 5 năm với các trường có vi phạm về tuyển sinh, mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài.

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng tự chủ đại học là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, các trường hầu hết cũng rất ủng hộ. Có điều, theo GS. Trung, trong công tác điều hành cần hết sức lưu ý đến sự phân hóa giữa các trường top trên và top dưới. GS. Trung cũng đề nghị chú trọng câu chuyện hậu kiểm và bày tỏ tin tưởng rằng với lộ trình hiện nay, chỉ trong vài năm, các trường sẽ ổn định việc tự chủ.

Còn theo người đứng đầu ngành giáo dục, tự chủ ĐH là trục xuyên suốt trong đời sống của một trường ĐH. Ông Nhạ cũng cho rằng tư tưởng lấy người học làm trung tâm phải đổi mới dần, chuyển sang lấy người sử dụng lao động làm trung tâm để tạo ra sản phẩm.

“Cho ra sản phẩm mà người sử dụng không ưng, thậm chí phải bỏ tiền thêm ra đào tạo là không được. Đưa sản phẩm cho 9, 10 điểm, thủ khoa mà người sử dụng không dùng thì người học là nạn nhân. Đã đến lúc phải có trách nhiệm với giáo dục của ĐH, trách nhiệm với cộng đồng chứ không thuần túy đào tạo ra bao nhiêu tiến sỹ, cử nhân, đó là tư duy không phù hợp với tư duy về quản trị ĐH”, ông nói và cho biết 23 trường thí điểm tự chủ bước đầu đã làm tốt, các trường tới đây cần có tính toán bước đi, lộ trình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nhạ lưu ý, thực hiện tự chủ là một quá trình minh bạch, thực chất để giải phóng năng lượng, nguồn lực của đơn vị nhưng đây cũng là quá trình để tiếp cận đến sự minh bạch về chất lượng, mà muốn minh bạch thì đương nhiên là phải công khai.

Do vậy, các trường đã có đề án chuẩn chỉ thực hiện theo đúng tuyên bố, công khai, minh bạch để tránh trường hợp có những trường làm rất tốt, nghiêm túc nhưng cũng có một số trường lại không được như vậy, dẫn đến mang tiếng cả ngành giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tới đây, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh kiểm tra. 

Kết quả tốt nghiệp THPT cả nước đạt 94,06%

Trình bày báo cáo Tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh trình độ ĐH, CĐSP, TCSP hệ chính quy năm 2019 tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, theo thống kê, kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, kết quả tốt nghiệp THPT cả nước đạt 94,06%.

Từ kết quả trên, TS. Phụng lưu ý các trường có phương án chủ động tuyển sinh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các năm sau. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu năm 2019 là 489.637, tăng 7% so với năm 2018 do các trường kiểm định xác định theo năng lực.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...