Công bố cam kết và thực hiện cam kết về chất lượng giáo dục

Nhân dịp năm học mới 2010-2011, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí.

Nhân dịp năm học mới 2010-2011, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí.

phamvuluan.jpg

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

* Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục trong năm học mới 2010-2011?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Năm học 2010-2011 được chọn là năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, toàn ngành sẽ tập trung triển khai tốt các công việc mới là Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh từ lớp 3; Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên. Cùng với đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo tổ chức giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng cấp học và điều kiện của từng địa phương.

Những nhiệm vụ thường xuyên của các năm học trước vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu cao hơn, trong đó có chú ý đẩy nhanh tốc độ kiên cố hóa trường lớp học để trong thời gian ngắn nhất các học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, có thêm điều kiện học tập tốt. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú ý tới hệ thống trường dân tộc nội trú để củng cố, nâng cấp các trường hiện có, mở thêm các trường dân tộc nội trú ở nơi còn thiếu.

Nói khái quát lại, trong năm học mới 2010-2011, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy chữ; Từng bước hướng nghiệp, phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh. 

* Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phòng tránh các tệ nạn, trong đó có bạo lực học đường… Bộ trưởng có thể cho biết, năm học này, Bộ sẽ có hướng dẫn gì giúp các trường thực nhiệm vụ còn rất mới mẻ này?

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thật ra, đây không phải là những nhiệm vụ mới , nhưng do thời gian trước chưa được làm tốt nên trở thành vấn đề bức xúc hơn, cần tập trung làm tốt từ năm học này. Để giáo dục và hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh, phòng chống các tệ nạn, trong đó có bạo lực học đường, chúng tôi sẽ tăng cường giáo dục kỹ năng sống.

Bộ đã tổ chức tập huấn cho giáo viên chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, dạy tích hợp kỹ năng sống vào các môn học văn hóa, tổ chức rèn luyện kỹ năng sống thông qua các các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường.

Chúng tôi đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hành động mới cho năm học 2010-2011 với các đơn vị; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam về tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để chỉ đạo theo ngành dọc, huy động các lực lượng này tích cực quan tâm, phối hợp giúp đỡ các em học sinh trong việc đi lại, sinh hoạt ở bên ngoài nhà trường.

* Trong bối cảnh quy mô giáo dục từ phổ thông đến đại học cả nước đều rất lớn và đa dạng; các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đều chỉ rõ giáo dục phải phân cấp quản lý mạnh mẽ, đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí của từng trường. Đề nghị Bộ trưởng nói cụ thể hơn về việc thực hiện những chủ trương này. 

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Năm học mới 2010-2011 có chủ đề là Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Phân cấp mạnh mẽ, công bố cam kết và thực hiện cam kết về chất lượng giáo dục là những nội dung cụ thể của việc đổi mới quản lý giáo dục. Nguyên tắc chung là làm sao cho hoạt động quản lý diễn ra đúng hướng và mang lại kết quả cao hơn, làm sao cho cả hệ thống giáo dục hoạt động nhịp nhàng và tránh được những khiếm khuyết đã gặp phải.

Muốn vậy, phải thống nhất quản lý giáo dục. Năm học này, đổi mới quản lý ở khu vực đại học, cao đẳng sẽ được triển khai nhiều hơn. Chúng tôi sẽ xem xét toàn diện mối quan hệ giữa Bộ Giáo dục-Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương; giữa bộ và các cơ sở giáo dục đại học… để xây dựng những quy định hợp lý về phân công trách nhiệm.

phachautrinh.jpg

Thầy và trò Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Lộc

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sẽ xem xét quan hệ giữa Bộ, Sở Giáo dục-Đào tạo với các địa phương trong việc quản lý mọi lĩnh vực liên quan đến giáo dục theo tinh thần tăng cường phát huy tính chủ động, sáng tạo của c ơ sở nhưng vẫn đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong quản lý.

Chúng tôi đang chỉ đạo các trường tích cực thực hiện Ba công khai (công khai trình độ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất; công khai thu chi và công khai cam kết về kết quả học tập của học sinh-sinh viên) để người dân, phụ huynh biết mức học phí của các trường có tương xứng điều kiện và chất lượng dạy học hay không.

Năm học này, chúng tôi cũng sẽ tích cực triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Ở bậc đại học, đã và sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các chương trình tiến tiến. Ở bậc phổ thông, chúng tôi đang tích cực triển khai các công việc để tham gia Chương trình quốc tế về đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông (PISA). 

* Trong thời gian làm Bộ trưởng, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã ưu tiên, đề ra các giải pháp mạnh khi giải quyết tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích kéo dài nhiều năm trong giáo dục. Vậy trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình, ông có dự định sẽ chọn một vấn đề gì để ưu tiên giải quyết không?

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân cho mình. Mục tiêu của tôi là cùng với các đồng nghiệp của tôi trong toàn ngành nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong sự tiếp nối công việc đã làm, những gì làm tốt cần được phát huy, những gì làm chưa tốt sẽ phải khắc phục nhanh chóng.

Còn về những hiện tượng không lành mạnh, không đúng với bản chất của nền giáo dục, chúng ta đều phải ngay lập tức đấu tranh để chấm dứt. Trong những vấn đề nêu trên, có những vấn đề chung của nền giáo dục cả nước, có những vấn đề cần được giải quyết theo thực tế mỗi địa phương.

Ví dụ như tình trạng học thêm tràn lan chỉ diễn ra ở thành phố, đô thị, còn ở nông thôn, nhiều nơi có tổ chức học thêm nhưng không thu tiền. Tôi đã chứng kiến tận mắt không ít thày, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không chỉ dạy thêm không thu tiền mà còn nhường cơm dành tiền của mình cho học sinh… Bộ sẽ cùng các Sở Giáo dục Đào tạo, các nhà trường xem xét, căn cứ thực tế để chọn vấn đề ưu tiên cần giải quyết nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Để khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học, cần có sự thống nhất hành động của mọi chủ thể. Có khi nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền. .. Tôi cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi người dân đã quan tâm đầu tư để các cháu học sinh con em chúng ta có điều kiện học tập tốt hơn.

Đồng thời, tôi cũng xin đề nghị tăng cường hơn nữa việc giám sát sử dụng các khoản thu này, đề nghị các cơ quan công luận tuyên truyền rộng rãi để các phụ huynh thống nhất hành động vì mục tiêu chung cao nhất là môi trường giáo dục lành mạnh cho con em chúng ta.

* Là một chuyên gia kinh tế, ông sẽ định hướng và đưa con thuyền giáo dục Việt Nam phát triển theo hướng nào, thưa Bộ trưởng? Ông có băn khoăn hay lo lắng gì về những dự án “nghìn đô” cho giáo dục vừa được phê duyệt?

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong việc xây dựng, thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, tôi sẽ cân nhắc, xem xét sao cho phù hợp quy luật của khoa học sư phạm, khoa học quản lý… Tất nhiên, tôi cũng sẽ xem xét từ góc độ kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Tôi nghĩ cách đặt vấn đề khái quát “các dự án nghìn đôla” có vẻ không ổn… Tuy nhiên, tôi không muốn bình luận về điều này. Các dự án này đã được chuẩn bị và cân nhắc kỹ không chỉ trong ngành giáo dục mà còn được thảo luận ở Chính phủ và Quốc hội. Do vậy, với câu hỏi có băn khoăn gì không, tôi trả lời là không băn khoăn.

Còn với câu hỏi có lo lắng không thì tôi thừa nhận là có. Lo lắng khi chưa được quan tâm đầu tư thì không đủ nguồn lực để thực hiện và phát triển. Khi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thì phải lo phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương quản lý chặt để đồng tiền của nhân dân mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo TTXVN

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.