Luật thông thoáng?
Liên quan đến kiểm toán các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước, kết quả kiểm toán cho thấy 30/31 TĐ, TCT, công ty nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) đã đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác bình ổn thị trường, đóng góp lớn cho NSNN, có tỷ suất lợi nhuận và thu nhập bình quân của người lao động cao. Tuy nhiên, hạn chế đầu tiên được KTNN chỉ ra là tình trạng sai sót của các TĐ, TCT nhà nước trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN.
Làm rõ hơn về nội dung này, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN cho biết, “Việc đó dĩ nhiên xảy ra vì DN tự kê khai, khi kiểm tra, kiểm toán phát hiện ra là bình thường!”- Phó Tổng KTNN bình luận và cho biết, năm vừa rồi KTNN kiểm toán hơn 3.000 DN, người nộp thuế (NNT) ở 49 địa phương và đã kiến nghị xử lý tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng, phát hiện hơn 2.900 DN có sai phạm về vấn đề này.
Phân tích nguyên nhân, Phó Tổng KTNN cho rằng từ khi Luật quản lý thuế mới ra đời quy định trách nhiệm về kê khai và tự kê khai, thuộc về DN, cơ quan quản lý thuế chỉ thanh kiểm tra đôn đốc. “Do đó, nguyên nhân từ phía các DN và NNT là chưa tự giác, căn cứ tính thuế chưa đầy đủ về phía cơ quan quản lý là thanh tra kiểm tra chưa toàn diện, kịp thời. Cùng với đó, cơ chế chính sách về thuế thiếu cụ thể nên cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau, các đơn vị tính theo cách khác quy định...” - Phó Thống KTNN Đoàn Xuân Tiên phân tích và khẳng định trách nhiệm này thuộc đơn vị, đối tượng NNT.
“Sức khỏe” doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện
Đáng chú ý trong kết quả kiểm toán các TĐ, TCT nhà nước là tình trạng “sức khỏe” của bộ phận DN này chưa được cải thiện. Đặc biệt KTNN đã cảnh báo tình trạng một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.
Cùng với đó là tình trạng các ”ông lớn” sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định cũng được KTNN chỉ ra.
Thậm chí nhiều DN trực thuộc TĐ, TCT hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể; nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các TĐ, TCT thua lỗ; một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định góp vốn, sở hữu chéo với các DN trong cùng TĐ, TCT, góp vốn vượt giới hạn không đúng quy định lập báo cáo giám sát chưa đầy đủ, chưa ban hành quy chế người đại diện vốn Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
Kiến nghị tăng thu cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng từ các “ông lớn” nhà nước
Tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 02 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.