Theo kế hoạch và quy chế phối hợp, Công an tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cảng, bến thủy nội địa được cấp phép gồm: Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa Bắc Giang, Cảng vụ đường thủy nội địa Bắc Ninh; Chi nhánh Đăng kiểm Hà Bắc (trường hợp cần thiết bổ sung thêm Công an cấp huyện, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn tham gia đoàn kiểm tra cho phù hợp), phân công theo chuyên môn, nghiệp vụ:
Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa lập biên bản và xử lý đối với các vi phạm hành chính về hoạt động của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện xảy ra tại khu vực cảng, bến thủy nội địa; vi phạm quy định về khai thác cảng, bến thủy nội địa, hoạt động xếp, dỡ, vận chuyển khách quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa...
Chi nhánh Đăng kiểm Hà Bắc: Kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, điều kiện hoạt động, trang thiết bị lắp trên phương tiện thủy; xác định trọng tải, công suất máy đối với phương tiện thủy không thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định; điều kiện an toàn phương tiện, thiết bị xếp, dỡ hàng hóa trong khu vực cảng, bến thủy nội địa...
Đặc biệt là Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy: Xử lý các vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Công an cấp huyện, chính quyền địa phương kiểm tra các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép; các cảng, bến thủy nội địa chưa được cấp phép, công bố hoạt động để phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền...
Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra toàn bộ tuyến sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu trên địa bàn tỉnh.
Bắc Giang tích cực xử lý vi phạm bến thủy nội địa |
Điển hình kiểm tra cảng thủy nội địa: Cảng Mỹ An, cảng Á Lữ, cảng Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc và các bến thủy nội địa, bao gồm: Bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng.
Tiến hành kiểm tra các phương tiện hoạt động trong khu vực cảng, bến, bao gồm: Phương tiện thủy, phương tiện và thiết bị xếp, dỡ hàng hóa. Kiểm tra người điều khiển phương tiện, thiết bị xếp, dỡ hàng hóa trong khu vực cảng, bến thủy nội địa.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, đáng chú ý là: Quyết định công bố cảng, bến thủy nội địa hoặc giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; điều kiện an toàn của các thiết bị, công trình trong khu vực cảng, bến. Kiểm tra hoạt động các bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không có giấy phép, điều kiện an toàn thiết bị xếp, dỡ hàng hóa; hoạt động đón trả hành khách, các hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện hoạt động trong khu vực cảng, bến thủy nội địa, trật tự an toàn tại khu vực cảng, bến thủy nội địa và kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa của phương tiện vận chuyển tại khu vực cảng, bến thủy nội địa.
Thông qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục mở cảng, bến; các quy định về điều kiện hoạt động và quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa; xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo thẩm quyền; bàn giao cho lực lượng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ hoặc Công an các huyện, thành phố để xử lý theo quy định đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện trong công tác quản lý Nhà nước đối với từng bến thủy hoặc từng địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.