Không cứ phải là bậc cha mẹ, người có lý trí bình thường thôi cũng cảm thấy buồn và xót xa khi ai đó tự tử, lại càng muốn chia xẻ nỗi đau về sự mất mát với cha mẹ và thân nhân người tự sát. Vậy mà trên đời này cũng lại có chuyện bố mẹ bị khởi kiện vì con tự tử và có toà án phán quyết buộc bố mẹ phải bồi thường vì con tự tử. Chuyện nghe tưởng như đùa mà có thật, khó có thể tin được mà đã xảy ra ở nước Đức.
Đêm ngày 5/1/2009, chàng thanh niên 20 tuổi đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy vào trước mũi đoàn tàu hoả đang chạy trên tuyến đường từ Nuernberg đi Lauf.
Trên thế giới và ở nước Đức cho tới nay vốn có không ít người tự tử bằng cách ấy. Sau mỗi vụ tự sát như thế, thường dư luận hay quan tâm để ý đến những nguyên cớ nào khiến người tự sát đi tới quyết định tiêu cực như vậy và thân nhân của họ chịu đựng nỗi đau buồn và vượt qua thời kỳ tang tóc như thế nào.
Trong trường hợp này thì lại khác. Người lái tàu khởi kiện bố mẹ chàng trai và đòi bồi thường 15.000 Euro vì đã phải tận mắt chứng kiến cảnh chàng thanh niên nhảy thẳng vào mũi tàu. Luật sư của người lái tàu cho biết kể từ đó, người lái tàu luôn gặp phải nhưng cơn ác mộng, luôn bị liên tưởng đến những giây phút cuối cùng của chàng trai và bị đau đầu dữ dội.
Để lách toà việc nguyên đơn không thể đồng thời là nhân chứng trước toà, người lái tàu đã chuyển quyền hưởng bồi thường cho vợ và người vợ đứng đơn kiện bố mẹ chàng trai kia. Nhờ đó, người lái tàu có thể làm nhân chứng trước toà cho vụ kiện tụng của chính mình.
Ngày 18/9 vừa qua, toà án ở Nuernberg-Fuerth đã xét xử và chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của vợ người lái tàu, buộc bố mẹ chàng thanh niên đã tự sát nói trên phải bồi thường, mức độ bồi thường không được công bố công khai.
Con tự tử, bố mẹ phải bồi thường - lần đầu tiên có chuyện như vậy ở nước Đức và tiền lệ này chắc chắn sẽ nhanh chóng trở thành thông lệ, kéo theo hàng loạt hệ luỵ khác nữa. Chẳng phải ai cũng tâm phục khẩu phục phán quyết này của toà án.
Đúng là luật lệ vô tình, nhưng con người vận hành pháp chế không thể vô tình. Từ phương diện đạo đức, đạo lý và con người thì khó có thể hiểu được bản án nói trên, lại càng khó có thể chấp nhận nó. Trong trường hợp này, chắc bố mẹ chàng trai lại phải đành tự an ủi mình bằng câu "Con dại, cái mang" thôi.
Thiên Lang