Tết năm kia Khởi tham gia một vở ca kịch mừng giao thừa ở ngã năm, có truyền hình trực tiếp, diễn giữa chừng má anh gọi điện thoại nói, “Tết nhất rồi bây còn vẽ mặt hề ca hát chi nữa, thay áo xống đi. Về !”. Khởi xoa cái bụng ông Địa độn vải chang bang của mình, nói chờ con chút nữa má ơi. Sau, lúc kể với tôi Khởi nói, “thì dặn cho có vậy, chớ bà già tao chờ tao tới suốt đời”. Tết đó Khởi bốn mươi ba tuổi.
Tôi với Khởi không thân, cả tuần có khi ngồi chung một vài buổi ở quán cà phê, gặp chỉ ở một khung cảnh duy nhất: quán cà phê. Nhưng tôi quen má của Khởi, bà già tuổi trên bảy mươi, đẹp người. Một tháng bà ăn chay bốn ngày. Bà bị say xe, đi Sài Gòn lần nào cũng lột củ sắn đem theo nhai cho đỡ cồn trong ruột. Buổi sáng đi chợ thay vì vô tiệm phở bà chỉ ăn nắm xôi, hay một ổ bánh mì không, số tiền còn lại bà chắt mót bỏ ống cho Khởi cất nhà. Bà có cái đầu tóc mượn từ nhặt nhạnh tóc rụng của chính mình. Đôi lúc đọc mấy mẩu chuyện con con Khởi viết, truyện nào cũng có nhân vật má, bà kêu kiếm gì đó viết về ba bây một cái, kẻo ổng buồn.
Tôi chưa từng gặp bà má đó, tất cả đều do Khởi kể. Ngoài cà phê đá, sữa đậu nành… ngồi với Khởi, tôi được thưởng thức thêm món “bà già tao…”. Như một ám ảnh. Ngọt ngào. Quán nằm giữa lòng thành phố, nhưng nếu ngồi cùng bàn với Khởi, có khi tôi thấy có người đàn bà đi nhặt bông so đũa rơi về nấu chua với cá rô đồng. Tôi thấy bà ngồi trong bếp, tay lẹ làng trở bánh phồng. Những ngày Tết bà hay lãng vãng gần chỗ mấy đứa con chơi bài cào, hóng nghe coi đứa nào thua nhiều, bà lén luồn tiền cho nó.
Và Khởi luôn là người thua nhiều nhất. Bà má bận lòng với Khởi nhất. Lần nào về trong mớ hành lý của Khởi cũng dồn nhét toàn quần áo quăn queo, má lục lọi ra, ôm đi ủi. Qua cửa là bà ngó từ trên xuống dưới, lúc bảo cạo râu bớt đi lúc chê tóc dài quá phủ cả lỗ tai, mà để móng tay chi dài thượt thiệt ngứa con mắt. Khởi hí hửng, bị rầy mà vô cùng hí hửng, má càm ràm anh coi bằng như má hát ru vậy.
Khởi không bao giờ nói kiểu như tao thương má, nhớ má lắm lắm. Tình cảm của anh đặt vào những câu chuyện, những ký ức, những kỷ niệm có thể đã cũ kỹ rồi hoặc còn tươi rói mới hôm qua, lần về thăm nhà gần nhất. Chỗ Khởi sống cách nhà sáu mươi cây số, lâu lắc vài ba tháng anh mới về một lần, nhưng cái cảm giác bà má vẫn đi theo anh tới bất cứ đâu. Lá bay ngoài đường rơi anh mơ màng “bà già tao tầm bốn giờ sáng là xách chổi đi quét lá ngoài sân…”. Một người bán quà rong đi ngang qua Khởi chép miệng, “bà già tao ưa bánh phồng nếp…”. Ngồi trong quán ngó trời mưa, hình ảnh bà má mà tôi chưa từng gặp lại thấp thoáng đứng súc rửa mấy cái lu, đắp đất be quanh nền nhà chống ngập, lấy tấm cao su đậy lúa che nóc mùng của con.
Khởi là họa sĩ, kiêm viết văn xuôi, làm thơ kiêm diễn viên, và ca vọng cổ nghe cũng mùi. Chữ của Khởi hay xuất hiện hình ảnh bà má với đầu tóc mượn xức dầu dừa, kim tây cài miệng túi áo, chân đi dép Lào, nồng mùi dầu gió. Nhưng khi vẽ, hiện diện trên tranh anh thường là trẻ con và trẻ con. Những đứa trẻ đang giỡn đang chơi, xúm xít với nhau hồn nhiên ngước mặt ngó trời, bình an và nhẹ nhõm. Như thể khung tranh đã che khuất bà mẹ chúng đang ở gần đâu đó, đang bao dung dõi theo, ngó chừng bảo vệ cho những cuộc chơi, tôi có cảm giác đó. Nhưng cảm giác cũng đầy chủ quan, tôi bị ám ảnh bởi thứ tình cảm kỳ lạ mà Khởi dành cho bà má, đôi khi chỉ dựa vào giọng anh thảng thốt, “bà già tao nằm đau ở nhà thằng em trên Sài Gòn…”.
Đôi khi, tôi học từ những câu chuyện thảng hoặc, nhát gừng, vô chừng của Khởi cách làm mẹ, làm con. Và cũng có lúc tôi hơi nghi ngờ, không biết chi tiết này câu chuyện kia xảy ra giữa Khởi và má anh là có thật? Nhưng điều đó không quan trọng, dù anh viết truyện ngắn bằng lời, thì ba chữ “bà già tao…” từ cái miệng râu ria rậm rạp của anh cũng lan ấm áp sang tôi.
Tất nhiên, nếu có dịp gặp bà má đó, tôi sẽ biết thằng bạn tôi có bịa chuyện hay không. Kể cả bịa thì Khởi cũng chẳng xấu đi bởi đã dựng lên hình ảnh một bà mẹ đầy rung cảm. Khởi kể anh được sinh khi thai chưa đầy bảy tháng. Sinh non, Khởi được nuôi dưỡng trong bệnh viện cho tới khi về nhà má đã mang bầu đứa nữa. Đứa trẻ chưa được ôm ấp bao nhiêu thì nhường vòng tay mẹ cho em. Biết đâu, đứa trẻ kia nuôi dưỡng trong mình một tình mẫu tử cực kỳ phức tạp mà tôi không thể nào thấu hiểu nổi. Và những sớm mai, tôi biết anh hay trông tôi tới, bởi tôi luôn là người chăm chú ngồi nghe anh nhắc “bà già tao…” với tất cả háo hức, tò mò… mong giải mã một thứ tình cảm hơi có chút kỳ lạ. Người ta vẫn thường thương má, nhưng ít người thương ám ảnh kiểu như anh.
Đến nỗi, tôi đoán chừng Khởi không lấy vợ vì chưa tìm được người phụ nữ nào giống như má anh. Và Khởi còn nghèo má anh còn mãi xót xa. Khởi còn lông bông văn nghệ văn gừng là má anh còn rầy la… Anh dường như chọn cách này giành lấy tình thương của má, khi anh có nhiều anh chị em quá.
Ai đó sẽ nói rằng Khởi ích kỷ, nhưng quyền phán xét chỉ thuộc về mỗi má anh. Biết đâu bà cảm thấy vui vui, thấy an ủi, khi những đứa con lớn khôn đã lần lượt bỏ đi, chỉ một Khởi là mãi loay hoay, lẩn quẩn vướng chân bà. Ứ hự cái thằng nghề nghiệp lêu bêu, chưa vợ, chưa nhà cửa…
NGUYỄN NGỌC TƯ