Còn sức thì còn nỗ lực làm điều có ích cho xã hội

Các bệnh nhân tại phòng khám.
Các bệnh nhân tại phòng khám.
(PLO) - Tâm niệm con người là trung tâm của xã hội, con người khỏe thì xã hội cũng tốt đẹp hơn, nhiều năm nay, ông Vũ Hồng Hưởng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) – vẫn đang tích cực duy trì và phát triển phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát. Ông đã đón các bác sĩ, y tá có tấm lòng nhân ái tới khám chữa bệnh từ thiện miễn phí cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và khắp mọi miền đất nước.

Phòng khám của những thầy thuốc tóc bạc

Phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát có tiền thân là phòng khám từ thiện do bác sỹ Trương Thị Hội Tố (sinh năm 1933, nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Nam Định) cùng với người bạn thân là bà Lê Thị Sóc (sinh năm 1930, từng là y tá tại Bệnh viện Xanh Pôn) và một số cán bộ y tế đã về hưu mở ra. Sau nhiều lần chuyển địa điểm, phòng khám hiện nay được đặt tại trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân phường Giáp Bát (số 63, ngõ 119 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và trực thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát. 

Có mặt tại Phòng khám lúc 7giờ rưỡi sáng 21/5, người viết bài này đã được trò chuyện với khoảng chục bệnh nhân tìm tới. Họ đa phần là những cụ ông, cụ bà ngoài 70, có những cụ đã ngoài 80 tuổi, do sức yếu phải nhờ con cháu đưa đi. Những bệnh nhân này hầu hết có hoàn cảnh khá khó khăn. Bà Đào Thị Liễu (trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bà bị cao huyết áp, đau đầu gối. Trước đây, bà theo khám định kỳ tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba, mỗi lần đi kiểm tra sức khỏe thường phải xếp hàng chờ khám rất lâu khiến bà rất mệt mỏi. Mấy tháng gần đây, được mọi người mách có phòng khám miễn phí của Hội Chữ thập đỏ phường nên bà đã tìm tới. “Đi khám ở bệnh viện nhiều khi hết cả ngày, nhưng bác đến đây được khám nhanh và yên tâm vì các bác sỹ khám rất tận tình”, bà Liễu chia sẻ.  

Vừa tranh thủ hỏi thăm tình hình sức khỏe của các bệnh nhân, bà Lê Thị Sóc vừa thoăn thoắt kiểm tra thuốc men, thiết bị khám chữa bệnh trước khi các bác sỹ đến. Nhớ lại thời kỳ đầu phòng khám mới đi vào hoạt động với đầy rẫy khó khăn, bà Sóc cho biết bà và bà Tố đã phải rất kiên trì mới có thể duy trì được hoạt động của phòng khám. “Các bác tâm niệm cứu một người thì phúc đẳng hà sa, chứ làm công tác chữ thập đỏ thì làm gì có chế độ, lương lậu, thậm chí các bác còn phải bỏ tiền túi ra để mua thuốc, mua vật tư y tế về phục vụ cho việc khám, chữa bệnh”, bác Sóc kể. 

Kể từ khi phòng khám đi vào hoạt động đến nay, mấy chục năm qua, nữ y tá tóc đã bạc trắng và những người cộng sự vẫn miệt mài khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn bệnh nhân từ mọi nơi đổ về, theo đúng phương châm: “Đâu cần thì mình có, đâu khó thì có mình” như lớp lớp thanh niên.

Là phòng khám miễn phí nhưng các bệnh nhân đều được thăm khám cẩn thận.
Là phòng khám miễn phí nhưng các bệnh nhân đều được thăm khám cẩn thận.

Công việc đòi hỏi sự nhiệt tâm

Tuy không phải là người sáng lập ra phòng khám nhưng ông Vũ Hồng Hưởng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát – là người đã duy trì và phát triển để phòng khám được như hiện nay. Từng gia nhập quân đội, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, năm 2005, ông Hưởng về nghỉ chế độ tại phường Giáp Bát. Tại địa phương, ông tích cực tham gia các hoạt động địa phương, được bầu là Trưởng ban công tác mặt trận, tham gia cấp ủy và là Phó Bí thư chi bộ khu dân cư số 1. Được sự yêu mến và tín nhiệm của nhân dân, năm 2016, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát nhiệm kỳ 2016-2021. 

Kể từ khi trở thành người đồng hành với phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, ông Hưởng đã tích cực vận động quyên góp, ủng hộ cho hoạt động của phòng khám; đón các bác sĩ, y tá có tấm lòng nhân ái đến khám chữa bệnh từ thiện miễn phí cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, quận và bệnh nhân ở các nơi khác. 

Là phòng khám từ thiện nên nguồn kinh phí hoạt động của phòng khám đều đến từ việc vận động, quyên góp. Trước đây, các y, bác sỹ tại Phòng khám khám phải xin  kinh phí từ các tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm và các nhà tài trợ. Nhiều lúc, vì thiếu thuốc mà họ còn phải tự bỏ tiền túi ra mua. Qua thời gian, tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến giúp đỡ bằng cách ủng hộ tiền và thuốc men hay các vật tư y tế khác như kim tiêm, que thử tiểu đường... để hỗ trợ duy trì hoạt động của phòng khám.

“Bà con biết đến hoạt động của phòng khám và hưởng ứng bằng cách quyên tặng thuốc mà họ dùng không hết. Có những người ở Vĩnh Tuy thi thoảng vẫn mang thuốc sang đây tặng. Hãn hữu lắm mới phải mua thuốc. Cũng có những trường hợp 2 mẹ con cùng góp tiền để tặng cho phòng khám”, bác Hưởng cho biết.

Các loại thuốc được mang về đều được các dược sỹ tại phòng khám tự tay phân loại, ghi chú, sàng lọc cẩn thận; còn tiền nhận được sử dụng để trang bị thêm thuốc men, máy móc khám chữa bệnh phục vụ bệnh nhân.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hưởng cho biết, để duy trì được hoạt động, phòng khám gặp rất nhiều khó khăn. “Đầu tiên là vấn đề nhân lực. Ở quanh đây cũng có nhiều bác sỹ, có người có cả trình độ tiến sỹ, thạc sỹ thuộc mọi chuyên ngành, nhưng để vận động được họ tham gia không phải đơn giản vì một số người làm việc với mục tiêu kinh tế. Chỉ những người thực sự nhiệt tâm phục vụ cộng đồng mới có sẵn sàng đồng ý tham gia đều đặn và kiên trì, giúp phòng khám đạt được các mục tiêu hoạt động như hiện nay”, ông Hưởng cho biết.

Bên cạnh đó, việc duy trì phòng khám cũng gặp nhiều khó khăn, ví dụ như mỗi que thử tiểu đường có giá 15 nghìn đồng, mỗi tháng có khoảng 30 đến 50 người mắc căn bệnh này đến phòng khám nên chi phí vật tư cũng khá cao. 

Ông Hưởng (ở giữa) đang chuyện trò với bệnh nhân.
Ông Hưởng (ở giữa) đang chuyện trò với bệnh nhân.

Nỗ lực lan tỏa những điều tốt đẹp

Tuy nhiên, vượt lên tất cả, phòng khám đến nay vẫn tiếp tục được duy trì. Tại đây hiện đang có 5 y, bác sỹ và 2 dược sỹ cao cấp tham gia khám, chữa bệnh cho người dân. Tất cả họ đều là những người đã nghỉ hưu, trẻ nhất là bà Nguyễn Thị Nguyệt, trú tại phường Khương Thượng cũng đã nghỉ hưu được 5 năm.

Hàng tuần, phòng khám tiến hành khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân vào ngày thứ Hai. Trung bình mỗi ngày phòng khám khám, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 20 đến 30 bệnh nhân. Tổng cộng, mỗi năm phòng khám tiến hành trên 1.000 lượt khám, tư vấn và phát thuốc chữa bệnh cho người dân. Tuy là phòng khám miễn phí nhưng tất cả bệnh nhân đến đây đều được thực hiện các quy trình đo huyết áp, khám xét cẩn thận. Những thông số sức khỏe của họ được các bác sĩ ghi chép thận trọng trong mỗi đợt thăm khám để tiện theo dõi.

Ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, nhiều người dân còn đến đây để được tư vấn sức khỏe. “Cái quan trọng là tình cảm giữa các y, bác sỹ và người bệnh, vì không chỉ khám bệnh, các bác sỹ còn tư vấn cho người dân về cách điều trị, giữ gìn sức khỏe. Bởi thế, có những người dù có bảo hiểm nhưng vẫn đến phòng khám để được tư vấn thêm về dưỡng sinh, ăn uống, ngủ nghỉ. Hoạt động của phòng khám giúp người dân theo dõi được sức khỏe thường xuyên, liên tục, vừa giúp họ bảo vệ được bản thân, vừa giúp giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố”, ông Hưởng nói.

Không chỉ khám, chữa bệnh tại phòng khám, các y, bác sỹ tại đây còn tham gia các đợt khám đại trà cho người dân. Chẳng hạn, trong năm 2016, phòng khám đã tiến hành khám cho 150 bệnh nhân đến từ các gia đình khó khăn, các cựu chiến binh… Sang năm 2017, số người được khám và phát thuốc miễn phí lên đến 270 người. Trong năm 2018, dự kiến vào tháng 6 tới, phòng khám sẽ tiến hành khám cho một đợt bệnh nhân nữa. Đến nay, phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát là phòng khám duy trì được hoạt động lâu nhất, hiệu quả nhất. 

Từng học quân y và cả đông y nâng cao trong các năm 2006 – 2008, ông Hưởng cũng mở một phòng khám để trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân tại nhà. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông tư vấn khám, chữa bệnh miễn phí. Ngoài ra, ông cũng tích cực kêu gọi vận động và thực hiện các hoạt động từ thiện khác như tặng bò cho Hội Chữ thập đỏ huyện Ứng Hòa, Hà Nội hay tặng xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hội Chữ thập đỏ do ông làm Chủ tịch được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Hiện, Hội cũng đang tích cực quyên góp để ủng hộ một em bé có hoàn cảnh khó khăn, không có cha mẹ và đang ở với bà ngoại trên địa bàn phường. 

Thấm nhuần tư tưởng từng được rèn luyện trong quân đội về việc phục vụ nhân dân vô điều kiện, ông Hưởng vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát với tâm niệm sẽ cống hiến hết khả năng cho cộng đồng. “Xã hội nào cũng lấy con người làm trung tâm. Trong khi đó, sức khỏe lại là vốn quý giá nhất của con người. Con người khỏe mạnh sẽ có thể lao động, cống hiến, giúp gia đình hạnh phúc, làm xã hội tốt lên. Còn sức khỏe thì tôi sẽ còn tích cực vận động để lan tỏa những điều tử tế đến nhiều người, hướng tới phục vụ được càng nhiều người càng tốt”, ông Hưởng tâm sự. 

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.