Con ơi, nếu trở về - hãy nói lời cảm tạ…

Nếu trở về, con hãy nói lời cảm tạ. Ảnh minh họa.
Nếu trở về, con hãy nói lời cảm tạ. Ảnh minh họa.
(PLVN) - Mẹ Việt nhắn gửi con trai du học nước ngoài: “Con ơi nếu trở về, hãy biết nói lời cảm tạ vì chúng ta quá may mắn là người Việt Nam. Và, hãy cảm tạ đất nước mình, các bác lãnh đạo, những người chỉ huy ở từng tuyến, từng cấp. Đã vì con, bao ngày qua vắt sức, nỗ lực để đảm bảo an toàn cho con và gia đình con nữa...”.

Chúng ta thắng, vì biết mình có thể thua!

Dưới góc nhìn sắc sảo của một sinh viên du học Pháp, Nguyễn Thu Tâm, cựu học sinh chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh đã có một chia sẻ dài trên trang cá nhân, nhận được những phản hồi tích cực từ phụ huynh cũng như giới trẻ. Cô gái 19 tuổi viết: Mình viết bài này khá muộn. Người chọn trở về thì đã về rồi. Người chọn ở lại cũng đã chuẩn bị tinh thần… 

Thế nhưng, một tuần trước mọi thứ không được như vậy. Một tuần trước là khoảng thời gian mọi thứ gần như bị đảo lộn. Số ca ở châu Âu tăng theo cấp số nhân. Tổng thống Pháp Macron ban hành các quy định nghiêm ngặt. 

Nhiều người bảo Việt Nam giấu dịch. Nhiều người nước ngoài không tin rằng Việt Nam có thể kiểm soát căn bệnh này. Có khi chuyện Việt Nam thuộc một trong những nước kiểm soát tốt Covid-19 còn làm người Việt bất ngờ hơn cả thế giới nữa. 

Ban đầu bản thân mình cũng hoài nghi. Thế nhưng, khi nghe câu này của UBND TP HCM thì mình nghĩ mình hiểu câu trả lời. Câu đó như thế này: “Một ca nhiễm cần phải có hơn 20 bác sĩ và hộ lí. Nếu thành phố có 1.000 ca thì hệ thống y tế sẽ sụp đổ. Giới hạn của chúng ta là 1.000 ca”…

Có phải câu này nghe giống Việt Nam hơn rồi không, nghe đáng tin hơn rồi không? Đây có phải mới là Việt Nam trong suy nghĩ của mọi người không? Một Việt Nam nhỏ bé và thiếu thốn, một Việt Nam không hoàn hảo.

Mình đã luôn nói rằng, Việt Nam thắng bước đầu tiên không phải vì Việt Nam mạnh nhất. Hệ thống y tế của Việt Nam không phải mạnh nhất. Chính quyền Việt Nam không phải tốt nhất. Kinh tế Việt Nam không phải phát triển nhất. Giáo dục Việt Nam không phải tối ưu nhất. Việt Nam không nhất thế giới, đó là chuyện gần như không thể tranh cãi. Việt Nam thắng, bởi vì đất nước này biết mình có thể thua.

Bởi vì hiểu rằng mình có thể thua, nên mỗi một nước đi đều như đang bước trên băng mỏng. Mỗi một nước đi đều là thận trọng sợ hãi. Khi số bệnh nhân còn chưa tới 20, trường học đã đóng cửa. Khi bệnh nhân còn chưa tới 100, phố xá đã không còn ai. “Khi thế giới còn chưa chuẩn bị, Việt Nam đã sẵn sàng”. Mình thích câu này, bởi vì nó đúng. Bởi vì biết mình không thể đánh trả, nên bắt buộc phải phòng ngự.

Việt Nam thắng, bởi vì biết mình có thể thua. Chiến thắng này là chiến thắng cộng đồng. Nó là chiến thắng từ quyết định chính quyền và nỗ lực hợp tác của người dân. Nó là một chiến thắng chung. 

Trong group của du học sinh Việt lên bài mỗi ngày, đều là bị kì thị, bị xa lánh. Nhiều người may mắn thì chỉ bị tránh xa trên các phương tiện công cộng, người xui xẻo thì bị mắng, bị nhổ nước bọt, bị đánh, bị gọi là Corona ngay trước mặt, bị phạt (chuyện này thật sự xảy ra, bởi vì luật của Pháp không cho phép che mặt ở nơi công cộng, trừ khi đang có dấu hiệu bệnh, nên nếu bạn nào đeo khẩu trang mà không có dấu hiệu bị bệnh thì sẽ bị cảnh sát cho phiếu phạt liền). 

Cả một thế hệ của Ý đã biến mất trong hai tuần. Cả một thế hệ đã sống sót trong Thế chiến thứ hai, đã nhìn thấy bom đạn và đổ máu, đã đi qua thăng trầm của thế kỉ, lại phải ra đi mà không có người thân, thậm chí không có chỗ chôn. 

Mình ở lại vì nhiều lí do. Thứ nhất là, mình ở tỉnh. Nếu chọn bay về, mình bắt buộc phải quá cảnh một lần là ít nhất. Quá cảnh càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Thứ hai, đó là công việc không cho phép. Ngành mình học yêu cầu các mô hình ngay cả khi học online, nếu phải trải qua 2 tuần trong cách ly, mình không tài nào đuổi kịp bài.

Thứ ba, mình không sống tại tâm dịch. Thứ tư, mình đã xác định ngay từ đầu rằng hè mình sẽ về, bởi vì mình còn rất nhiều kế hoạch phải hoàn thành trong hè, bao gồm cả đi thực tập. Thứ năm, mình thuộc dạng cả ngày ở nhà, ít tiếp xúc người lạ, chưa đi làm. Năm lí do, cộng thêm việc tâm lí của mình và ba mẹ mình đều khá vững, nên mình ở lại. 

 “Cuộc chiến này không ai bị bỏ lại”. Mình nghe câu này mà chảy nước mắt. Bởi vì mình đã từng đọc đi đọc lại rất nhiều thông tin về Ý, về Anh, về Mỹ, về cách mà họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ một thế hệ, mình mới thấm thía được một câu đơn giản như vậy lại có bao nhiêu khó khăn để thực hiện…

Mình không muốn nhắc đến điều này, nhưng một cách không thể chối cãi, Việt Nam đang chọn cách đánh đổi nền kinh tế vì mạng người. Người ta có thể hồi sinh một nền kinh tế. Nhưng không ai hồi sinh được một mạng người.

Điều mình muốn truyền tải thật ra rất đơn giản, đó là hãy lựa chọn sức khỏe, nhưng cũng hãy có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Và nếu có thể, hãy khoan dung cho lựa chọn của người khác. Mỗi một người đều có thể giúp đỡ, góp gió thành bão thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ thành công. Bây giờ là lúc biến sự biết ơn thành hành động, cô gái nhấn mạnh!

Mẹ yêu con theo cách của mẹ!

Đi du học kể cả diện học bổng hay tự túc, vấn đề bài vở, kiểm tra, điểm danh làm rất gắt gao. Học online vẫn điểm danh, không đủ tiết là out. Chưa kể vấn đề giấy tờ xác nhận, visa, bảng điểm... tuỳ theo mỗi nước và mỗi trường. Nếu không đúng quy định thì về nghỉ xong không thể quay lại học tiếp, vậy công sức bao lâu là bỏ đi.

Vì thế nên các con lo lắng, phải xin đủ giấy tờ, phải đợi thông báo của nhà trường mới có thể về... Chị Phạm Thái Lê, cô giáo Văn tại Hà Nội chia sẻ: Tuần qua, thấy các mẹ sốt sắng chuyện mua vé cho con mình về nước, mua khẩu trang nước sát khuẩn gửi sang, mẹ chợt giật mình tự hỏi: Có phải mẹ là người vô trách nhiệm với con???

Sáng nay mở mạng, mẹ thấy hình ảnh những đoàn xe ô tô của các gia đình xếp hàng dài nơi cách ly để tiếp tế cho con mình. Mẹ còn đọc được cả list liệt kê những đồ cần đưa vào cho con nơi cách ly, trong đó có cả gối ôm, đệm mỏng... thì mẹ chợt hiểu. Con ạ, mẹ hoàn toàn không vô trách nhiệm với con. Mẹ yêu con khác họ. Quá khác!

Vậy con mẹ cũng phải khác nhé

Giả sử con có về nước, mẹ cũng không xếp hàng để tiếp tế cho con đâu. Con đang tiêu trên đồng tiền mà những người nông dân còm cõi đóng thuế, trong đó có cả bà nội hơn 70 tuổi của con đang sống dè sẻn chắt lót ở quê nhà.

Thiếu thốn ư, không sao. Con sức trai trẻ, vượt qua chuyện đó “nhỏ như con thỏ”. Và con phải nghĩ được rằng những ngày gian khổ này (nếu nó gian khổ thật) sẽ đi vào đời con như một kỉ niệm đẹp. Vậy đừng để cảm xúc xấu, hành động xấu làm hoen ố nó. Một trải nghiệm thú vị không phải muốn là được, đúng không!

Nhưng con không về nước!

Mẹ nghĩ, ngoài 16 tuổi mà không tự chăm lo được sức khỏe cho chính bản thân mình thì làm được gì cho đời. Hà Nội số ca nhiễm “nhập khẩu” đang tăng, bố mẹ còn phải tự lo bảo vệ mình, không lo được cho con đâu. Ở bên ấy, con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.

Mẹ yêu con. 

Luôn luôn yêu. 

Mãi mãi yêu. 

Bất luận điều gì. Theo cách của mẹ!

Con còn nhớ bức ảnh này không, lúc đó con mới 18 tháng, đi Yên Tử cùng cơ quan bố. Và các bác trong cơ quan ngạc nhiên khi thấy con ngã mà mẹ không đỡ, chỉ bình thản nói, con đứng dậy đi, phủi tay đi...

Chị bày tỏ, thực ra, nhiều bà mẹ đang sốt sắng lo cho con cũng là trên tinh thần ghé vai vào bớt đi gánh nặng cùng Chính phủ. Trong lúc dịch giã này, chỉ mong mọi người an toàn. Viết những lời rắn rỏi lúc này là để con mạnh mẽ lên chứ không muốn làm tổn thương thêm ai cả! 

Một người mẹ tuyệt vời khác cũng nói với con chan chứa tình cảm và biết ơn, lòng tự hào về nghĩa cử khi tất cả đều đồng lòng: Đại dịch covid-19, nếu trở về, điều đầu tiên con nên làm là hãy nói lời cảm tạ, với các cô chú tổ bay, với chú lái xe, anh vận chuyển những vali hàng... Vì giữa dịch bệnh họ đã nỗ lực giúp con trở về khi mà cả thế giới dường như rất nhiều quốc gia đã cảnh báo cách ly và sẵn sàng từ chối con.

Nếu trở về, hãy cảm tạ những anh bộ đội, công an, những tình nguyện viên, những người dân ở những nơi con đi qua từ cửa khẩu sân bay, về nơi cách ly để được chăm sóc.

Hãy cảm tạ những suất ăn quý giá, những sự phục vụ tận tâm hết lòng, hết sức của tất cả các lực lượng, vì con mà mọi người đã nỗ lực hết sức. Vì con mà không ai có ngày nghỉ...

Hãy cảm tạ những y, bác sỹ tuyệt vời. Những trái tim mở rộng đón con trở về, theo dõi sức khỏe cho con, hướng dẫn con và giúp con điều trị nếu chẳng may con dính bệnh. Con luôn nhớ rằng, họ gần như không ngủ, gần như dành trọn quỹ thời gian quý giá, sức lực, sự cân não để bảo vệ con.

Và, hãy cảm tạ đất nước mình, các bác lãnh đạo, những người chỉ huy ở từng tuyến, từng cấp. Đã vì con, bao ngày qua vắt sức, nỗ lực để đảm bảo an toàn cho con và gia đình con nữa...

Họ là những người bảo vệ nhân dân. Bảo vệ chúng ta lúc nguy nan này. Chỉ có mẹ Tổ quốc yêu quý luôn chờ đón, rộng mở tấm lòng đón con trở về, dù con ở đâu, con như thế nào. Con trở về, mẹ Tổ quốc mừng, dẫu chính con có thể khiến cho mọi người thêm những vất vả, thách thức khi chống đại dịch này...

Vì thế, hôm nay mẹ đã hiểu vì sao con vẫn hay nói con muốn trở về. Mẹ tin, con có lý do để luôn hướng về điều đó.

Con à, chúng ta đã quá may mắn vì được là người Việt Nam!

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.